Robot thám hiểm Hằng Nga-3, hay còn được gọi là "Thỏ Ngọc" trên Mặt Trăng. Ảnh: CNSA.
Vào ngày hôm nay (21.5), Trung Quốc đã phóng một vệ tinh “tiếp sức” để dần hoàn thiện nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng đầy tham vọng của nước này. Vệ tinh này có nhiệm vụ thiết lập đường dẫn liên lạc giữa Cơ quan Vũ trụ Quốc gia (CNSA) của Bắc Kinh với một robot thăm dò mặt đất sẽ được triển khai trong cuối năm nay.
“Lần phóng này là một bước tiến quan trọng giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên gửi thiết bị lên Mặt Trăng và khám phá vùng tối của vệ tinh này”, cơ quan thông tấn Xinhua dẫn lại lời của giám đốc dự án vệ tinh tiếp sức Zhang Lihua cho biết.
Được biết, trong lần phóng diễn ra vào khoảng 5 giờ 30 sáng (theo giờ địa phương) tại trung tâm vũ trụ Tây Xương, Trung Quốc đã sử dụng tên lửa Long March 4C hay còn được biết đến với cái tên “Cầu chim ác là” (Queqiao). Theo thông tin do CNSA cung cấp, 25 phút sau khi được phóng, vệ tinh đã tách ra khỏi tên lửa, đi vào quỹ đạo chuyển giao giữa Trái Đất và Mặt Trăng với các tấm pin mặt trời và các ăng ten liên lạc đã mở ra thành công.
Trung Quốc lần đầu tiên công bố dự định đưa robot thăm dò “Hằng Nga-4” lên Mặt Trăng để thay thế robot “Thỏ Ngọc” đã hoàn thành sứ mệnh vào năm 2016 và thám hiểm vùng tối của vệ tinh này vào hồi năm 2015. Theo giám đốc Zhang, dù đã đưa được vệ tinh tiếp sức lên không gian, nhiệm vụ đầy tham vọng này sẽ còn gặp nhiều thử thách phía trước.