Tiếp chúng tôi bên ao cá, ông Cổ tâm sự: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ tôi phải đi ở đợ, làm thuê, suốt quãng đời thơ ấu, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thời chiến tranh, tôi tham gia vào lực lượng dân quân du kích địa phương đánh đuổi thực dân và đế quốc xâm lược. Đất nước thống nhất, tôi cùng gia đình khai hoang vỡ hóa trên đồng đất quê hương, song cuộc sống vẫn khó khăn".
Lão nông Lê Cổ giới thiệu ao cá của mình. |
Năm 1999, ông Cổ vay 30 triệu đồng của ngân hàng để làm trang trại theo mô hình: Vườn, ao, chuồng, rừng (VACR) rộng 2ha trồng măng tre điền trúc, cây ăn quả, nuôi cá. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng.
Sau vài năm làm VACR, ông đã trả xong nợ ngân hàng. Để chủ động cây giống, ông xây dựng một vườn ươm cây lâm nghiệp, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 200.000 cây keo lai, sao đen, xoài, cam… thu lãi hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng 30ha rừng phủ xanh trên đất trống, đồi trọc và nhận trồng, bảo vệ hàng trăm ha rừng của Dự án 661.
Ông Cổ cho biết, trung bình mỗi năm, tổng các khoản thu từ VACR của gia đình ông khoảng 300 triệu đồng. Tùy theo thời vụ, ông còn sử dụng mỗi ngày từ 5-20 lao động địa phương.
Có điều kiện, ông đã cho 10 hộ nghèo trong thôn vay 50 triệu đồng không lấy lãi. Giờ đây, cả 5 hộ này đều thoát nghèo. Vui hơn, từ trang trại VACR, ông có điều kiện nuôi các con học hành đến nơi đến chốn và cả 3 con của ông giờ đã trở thành bác sĩ, giáo viên, sĩ quan quân đội. Riêng gia đình ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành về thành tích SXKD giỏi và liên tục từ năm 2001 đến nay được công nhận “Gia đình văn hóa tiêu biểu".
Quốc Kỳ