Chiều 21.5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)
Theo bà Nga, Ủy ban Tư pháp nhận thấy Chính phủ đã tích cực triển khai xây dựng dự án luật, đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật Đặc xá, đánh giá tác động, lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành, cơ quan có liên quan. Hồ sơ dự án luật cơ bản đáp ứng yêu cầu về thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, một số tài liệu trong hồ sơ dự án luật vẫn cần tiếp tục hoàn thiện thêm. Về điều kiện, người bị kết án về một trong các tội: Xâm phạm an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, khủng bố; sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy...
"Ủy ban Tư pháp cho rằng việc quy định đặc xá với các trường hợp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là đối với người bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố. Bởi đây là các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, được thực hiện do lỗi cố ý. Bộ luật Hình sự cũng không cho phép tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với những đối tượng này", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Công bố đặc xá tại tại trại giam Hồng Ca (Yên Bái) năm 2015. Ảnh: Lê Hiếu.
Về điều kiện đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, nhiều ý kiến từ Ủy ban Tư pháp cho rằng Luật Đặc xá hiện hành quy định chỉ áp dụng điều kiện này với đối tượng phạm tội tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định. Dự thảo luật sửa đổi theo hướng đây là điều kiện bắt buộc đối với mọi tội phạm.
"Quy định như vậy dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội", bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Mặt khác, về bản chất, đặc xá là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người chấp hành án phạt tù, bên cạnh ý nghĩa là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước, thì chế định đặc xá còn có mục tiêu khuyến khích người chấp hành án phạt tù cải tạo tốt để sớm được tái hòa nhập cộng đồng. Việc đặc xá cũng tạo cơ hội cho họ sau khi được trả tự do có điều kiện lao động để thi hành nghĩa vụ dân sự.
Việc ràng buộc trách nhiệm thi hành án dân sự đối với người bị kết án, coi đó là một điều kiện xét đặc xá sẽ làm giảm ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt. Do vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng quy định này.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định chấp hành được ít nhất 1/2 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 15 năm đối với hình phạt tù chung thân mới được xét đặc xá. Luật hiện hành (Luật Đặc xá năm 2017) thì tương ứng là ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân.
Luật hiện hành cũng quy định ba thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, Chính phủ đề nghị bỏ quy định đặc xá nhân ngày lễ lớn của đất nước.
Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ nhằm thu hẹp bớt các trường hợp đặc xá. Tuy nhiên, đơn vị thẩm tra đề nghị phải quy định cụ thể trong dự thảo như thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước để bảo đảm tính minh bạch và chủ động khi thực hiện. Ban soạn thảo cũng phải giải trình rõ lý do vì sao bỏ thời điểm đặc xá nhân ngày lễ lớn.