Nguyễn Thiện Minh bắt đầu học violin từ năm 7 tuổi tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam dưới sự giảng dạy của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình. Sau đó, anh tiếp tục theo học NSƯT Nguyễn Châu Sơn hơn mười năm tại Việt Nam.
Đến với nghệ thuật từ sớm, Thiện Minh luôn có ý thức học tập chăm chỉ, không ngừng sáng tạo và rèn luyện bản thân. Trong thời gian học ở trường, ngoài những bài học cổ điển, chàng nghệ sĩ 9x luôn cố gắng thử nghiệm kết hợp những cách mới trong âm nhạc, chơi những bài nhạc trẻ, nhạc Jazz, nhạc nhẹ và tìm tòi những điều mới về violin trên mạng để tập luyện.
Nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh
Thiện Minh từng đoạt giải nhất Concour mùa thu 2007 tại Việt Nam và giải nhất International Concerto Competition tại Indonesia 2009. Với thành tích xuất sắc, Thiện Minh được lựa chọn tham gia trại hè của chương trình trao đổi âm nhạc Transposition tại Na Uy vào năm 2009 và 2010, cùng tài năng violin trẻ Đỗ Phương Nhi.
Trong thời gian theo học chương trình, Thiện Minh đã cảm mến đất nước và con người Na Uy, đặc biệt ấn tượng với người thầy dạy violin - giáo sư Stephan Barratt-Due. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, dù có nhiều lựa chọn tới Nga hay Australia để học Đại học nhưng Thiện Minh đã quyết định tới Học viện Âm nhạc Barratt-Due (Na Uy) khi mới 17 tuổi. Anh là người Việt Nam đầu tiên sang Na Uy du học về chuyên ngành violin biểu diễn
Với Thiện Minh, quãng thời gian học tập ở đất nước Bắc Âu này đã làm thay đổi cách sống, lối suy nghĩ và cách sáng tạo âm nhạc của anh. “Na Uy là đất nước có môi trường tuyệt vời để học tập và làm việc. Mọi người được đào tạo chuyên nghiệp, mang phong cách chuẩn mực châu Âu. Na Uy rất mạnh về cổ điển bởi họ có một bề dày lịch sử âm nhạc. Bất kì thành phố nào ở đất nước này cũng có ít nhất một dàn nhạc cổ điển với chất lượng tốt. Những nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển ở Na Uy rất được tôn trọng và họ có thu nhập cao”.
Trong 6 năm theo học giáo sư Stephan Barratt-Due, ở trong một môi trường tuyệt vời về âm nhạc, Thiện Minh đã dần hoàn thiện khả năng bản thân và chinh phục khán giả trong và ngoài nước với hàng loạt bản nhạc hàn lâm của các nhà soạn nhạc vĩ đại.
Thiện Minh đã được mời tham gia Beethovenfest tại Đức (2009), Valdres Summer Festival tại Na Uy (2009, 2010) và biểu diễn cùng Dàn nhạc El Sistema (Venezuela) tại Na Uy 2011. Anh đã lưu diễn tại các nước Tây Ban Nha, Đan Mạch, Brazil, Thụy Điển và các thành phố khác nhau tại Na Uy cùng với dàn nhạc Oslo Camerata. Anh cũng đã tham gia biểu diễn với nhiều Dàn nhạc lớn của Na Uy như Den Norsk Opera Orketer, Oslo Philharmonic, Nordic Philharmonic...
Thiện Minh tốt nghiệp Đại học và Cao học tại Học viện Âm nhạc Barratt- Due với tấm bằng xuất sắc. Với tài năng và danh tiếng của mình, nhiều người cho rằng Thiện Minh sẽ phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, thi tuyển vào những dàn nhạc giao hưởng tầm cỡ quốc tế nhưng anh đã quyết định trở về Việt Nam để tham gia các hoạt động nghệ thuật trong nước.
Nghệ sĩ violin tâm sự: “Ở Việt Nam, âm nhạc cổ điển vẫn chưa thực sự có vị trí tương xứng và điều đó ảnh hưởng phần nào đến đam mê của người nghệ sĩ. Họ không có công việc ổn định, không có đủ thu nhập chi trả cho cuộc sống dẫn đến không thể làm nghề một cách thực sự. Nhưng xã hội đang thay đổi, cách đây 10 năm, chẳng ai biết đến cây violin là gì. Còn giờ đây, người người, nhà nhà cho con em mình đi học một nhạc cụ nào đó. Với những gì học được ở Na Uy, tôi nghĩ mình sẽ góp phần nào đó để phát triển âm nhạc cổ điển Việt Nam”.
Hiện tại, Thiện Minh đang là Giảng viên Khoa dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Theo Thiện Minh, ngành âm nhạc cổ điển đòi hỏi không chỉ kỹ thuật chơi đàn điêu luyện mà còn phải có sự sáng tạo, hình thành cá tính âm nhạc riêng… Đó là những điểm còn thiếu của lớp học sinh Việt Nam hiện nay.
“Ở Na Uy, các thầy cô không ép mình phải theo khuôn mẫu nào cả mà đa phần giáo viên sẽ dạy theo phương pháp gợi ý. Sinh viên có thể làm theo cách riêng của mình và trao đổi lại với giáo viên. Tôi nghĩ đây là phương pháp tốt để kích thích được sự sáng tạo của người chơi violin. Có sáng tạo, sẽ có sự tinh tế chứ không chỉ cứng nhắc từng nốt theo bản nhạc”.
Thiện Minh đang là Giảng viên Khoa dây của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Với riêng Thiện Minh, ảnh hưởng từ phong cách âm nhạc của Na Uy, anh hướng tới hình ảnh nghệ sĩ violin đa tài, có thể chơi được nhiều thể loại âm nhạc. Ấp ủ đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả Việt Nam, Minh hợp tác cùng nhiều nghệ sĩ trẻ để làm mới thể loại âm nhạc vốn được cho là bác học và khô khan này.
“Nếu chỉ phát triển dòng nhạc cổ điển hàn lâm thì rất khó. Vì vậy, những lứa nghệ sĩ như tôi có thể dùng nhạc cụ cổ điển để chơi những dòng nhạc khác để lôi kéo sự thu hút của khán giả. Nhưng để họ thực sự quan tâm tới nhạc cổ điển thì chính những người nghệ sĩ phải đẩy mạnh trình độ của mình: phải chi tiết, trau chuốt và tinh tế thì mới khiến khán giả trầm trồ khen ngợi”.
Môi trường âm nhạc Việt Nam đang dần thay đổi và rất cần những người trẻ tài năng và bản lĩnh như Nguyễn Thiện Minh trở về để phát triển âm nhạc cổ điển nói riêng, nghệ thuật Việt Nam nói chung./.
Transposition (2006-2016) là chương trình lớn về trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực âm nhạc do Bộ Ngoại giao Na Uy hỗ trợ. Các mục tiêu chính của chương trình là tăng cường chất lượng nghệ thuật, nâng cao năng lực và chuyển giao tri thức giữa các tổ chức đối tác của Na Uy và Việt Nam. Kể từ khi thành lập, Transposition đã có những đóng góp quan trọng trong việc trao đổi văn hóa, nghệ thuật giữa Na Uy và Việt Nam, cũng như góp phần gắn kết hai nước.
Sau 10 năm thực hiện, chương trình Transposition đã có không dưới 300 dự án được thực hiện ở Việt Nam và Na Uy. Trong thời gian đó, 3 vở balet và 2 vở opera mới đã được xây dựng ở TP Hồ Chí Minh. Tổng số đã có 100 nhạc sĩ, giảng viên, sinh viên, nhà soạn nhạc và cán bộ quản lý Việt nam đã được đào tạo và tìm hiểu về đời sống âm nhạc của Na Uy cũng như phát triển các chiến lược nghệ thuật/âm nhạc thông qua các khóa học ngắn hạn và dài hạn.
Hơn 100 nhạc sĩ, chỉ huy dàn nhạc, nhà soạn nhạc, giảng viên và các cán bộ quản lý của Na Uy đã tham gia dự án và đóng góp vào sự phát triển của các đơn vị đối tác Việt Nam trong dự án này. Một chương trình đào tạo âm nhạc mới cũng đã được đưa vào áp dụng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). |