Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh: P.V)
Sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội. Phát biểu tại tổ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng: Trong 8 nhóm giải pháp, điều quan tâm nhất là 3 đột phá chiến lược. Đầu tiên là phải xây dựng hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên thời gian gần đây có đánh giá, việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật của một số bộ, ngành làm chưa được chu đáo, do đó chương trình xây dựng pháp luật phải điều chỉnh nhiều.
“Tôi nghĩ, các bộ ngành và bản thân tôi là một thành viên Chính phủ cũng sẽ rút kinh nghiệm, trong nhiệm vụ của mình sẽ chuẩn bị tốt hơn để trình Quốc hội, các ĐBQH các dự án luật vừa bảo đảm chất lượng, vừa kịp thời để các vị ĐBQH tiếp cận thông tin sớm hơn, có ý kiến đóng góp để khi luật bàn hành có chất lượng hơn. Lần này, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm tham gia trình 2 luật là Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)”, ông Khái cho biết.
Nói về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), ông Khái cho biết có nội dung rất lớn Quốc hội đang thảo luận thống nhất là hình thức tố cáo thông qua điện tử, fax, điện thoại. Nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng gần đây đã chốt lại phương án như luật cũ (tố cáo trực tiếp và bằng đơn –PV).
Trong điều kiện hiện nay, những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân phải tiếp nhận theo quy trình và xử lý. Những đơn phải xác minh được người tố cáo, khiếu nại thì chúng ta mới làm được. Rồi xác minh được người tố cáo, khiếu nại thì tỷ lệ xác minh cũng ở mức độ khác nhau, chưa đạt như mong muốn.
"Chúng ta đặt tỷ lệ giải quyết tố cáo phải đạt 85% nhưng hiện chưa được, năm 2017 việc giải quyết mới đạt 84%. Do đó mở rộng nữa, về nguyên tắc thì tốt nhưng với điều kiện hiện nay, biên chế không được tăng thêm tôi e rằng khó khả thi. Do đó, đề nghị các vị ĐBQH thảo luận kỹ để bảo đảm quy định phải thực thi, đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng của nhân dân trong việc khiếu nại, tố cáo”, ông Khái cho biết.
Ông Lê Minh Khái nhắc lại lời Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đại biểu Đoàn Kom Tum) khi ĐB này đánh giá: Gần đây việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đền bù, tài định cư khi thực hiện có nhiều vướng mắc. Diện nào được thu hồi như đất an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội quốc gia, phục vụ mục đích công cộng, nhưng đối với đất thu hồi để lập dự án kinh doanh thì thế nào để bảo hài lòa lợi ích hài hòa giữa địa phương, doanh nghiệp, người dân.
“Tôi thấy rằng, chính sách ở chỗ này còn nhiều việc… Nếu làm tốt việc này thì tình hình khiếu nại liên quan đến đất đai với khoảng 70% sẽ giảm xuống, góp phần phát triển kinh tế xã hội”, ông Khái nói.
Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, theo ông Khái vấn đề cần quan tâm nhất là thu hồi tài sản tham nhũng. Muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, tránh bị tẩu tán.
“Thông thường những tài sản do phạm tội mà có thì người đó sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ thu hồi được tài sản ngay, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, về con người, về cán bộ. Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe”, ông Khái chốt lại.