Phiên tòa chiều 22.5, HĐXX đã mời 3 đại diện của Bộ Y tế tham gia phiên tòa gồm ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh; ông Trịnh Đức Nam - chuyên viên Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế và ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
HĐXX hỏi ông Nguyễn Huy Quang: Liên quan đến quá trình chạy thận, Bộ Y tế có ban hành văn bản quy trình chạy thận nhân tạo hay không?
Ông Quang cho biết: Để đảm bảo an toàn nước cho lọc máu chạy thận nhân tạo, Bộ đang áp dụng tiêu chuẩn của Việt Nam và Bộ KH&CN đã ban hành. Bộ Y tế có ban hành 2 quy trình về lọc máu chu kỳ lọc máu chạy thận nhân tạo. Theo quy trình, triển khai văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đều có gửi văn bản này tới các giám đốc Sở Y tế. Đơn vị trực thuộc bộ, Bộ Y tế có trách nhiệm tập huấn. Các đơn vị trực thuộc sở có trách nhiệm tập huấn, chuyển giao. Bên cạnh có quy trình do Bộ Y tế quản lý nước RO, hiện nay tuân theo Nghị định 36. Với các nhà sản xuất trang thiết bị y tế, họ phải có trách nhiệm công bố thực hiện đúng chất lượng mà sản phẩm công bố và trang thiết bị này phải phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.
Trả lời HĐXX về nội dung BVĐK tỉnh Hòa Bình có được phép xã hội hóa việc chạy thận nhân tạo hay không, ông Quang cho biết: Bộ Y tế có cho phép xã hội hóa việc chạy thận nhân tạo. Bộ đã áp dụng trước đây (Nghị định 59, 69), hiện nay là Nghị định 85 và một số văn bản khác. Chủ trương của Chính phủ cho xã hội hóa, Bộ Y tế cũng có Thông tư 15 cho phép liên doanh liên kết. Tuy nhiên, việc liên doanh liên kết này phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành.
Tòa hỏi: "BVĐK tỉnh Hòa Bình đã thỏa mãn các điều kiện về liên doanh liên kết hay chưa?". "Việc này Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho phép. Đơn vị này có trách nhiệm thanh, kiểm tra việc BVĐK tỉnh Hòa Bình có đủ điều kiện hay không", ông Quang khẳng định.
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Hòa Bình, đại diện 8 gia đình bệnh nhân bị tử vong (hiện đã được chấp nhận là 9 nạn nhân) đã kê khai tiền mai táng phí với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các gia đình nạn nhân còn yêu cầu bồi thường về dân sự theo quy định của pháp luật. Tương tự, các nạn nhân được cấp cứu, điều trị đã phục hồi cũng yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cáo trạng cũng nêu, các đơn vị, cá nhân cũng đã nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả. Cụ thể, đại diện gia đình bị cáo Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) đã tự nguyện nộp số tiền 50 triệu đồng; đại diện gia đình bị cáo Trần Văn Sơn đã tự nguyện nộp số tiền 30 triệu đồng; BVĐK tỉnh Hòa Bình đã tự nguyện hỗ trợ số tiền ban đầu cho 8 nạn nhân tử vong là 20 triệu đồng/1 người và 2 triệu đồng/1 người đối với 10 bệnh nhân còn lại.
Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ trong phiên tòa ngày 22.5.
BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn còn nộp số tiền là 660 triệu đồng để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. Trong đó, Công ty Thiên Sơn nộp 370 triệu đồng. Hiện nay, số tiền 740 triệu đồng đã được chuyển cho Cơ quan thi hành án dân sự.