Đó mới chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện cuộc sống gia đình tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ cực chẳng đã phải bỏ vợ vì cái tính tằn tiện thì cô ấy mới có thể tỉnh ngộ.
Ai đời một trưởng phòng có thu nhập cũng tương đối như tôi, một tuần chỉ có 3 cái áo sơ mi cứ mặc đi mặc lại. Nhiều lúc anh chị em trong phòng ái ngại mua tặng đồ mới mỗi dịp sinh nhật hay sự kiện của công ty, vợ tôi đem cất đi để dành hoặc làm quà tặng cho người thân trong nhà.
Giày dép, quần áo, đồ dùng cá nhân là một chuyện, cô ấy còn bắt tôi công khai chi tiết khoản chi tiêu mỗi tháng. Tôi chiều vợ được một thời gian xong rồi cũng nản quá bèn nói mỗi tháng em cứ đưa anh 5 triệu tiền tiếp khách, xăng xe, còn lại em lo cho gia đình.
Thực tình tôi phải lập "quỹ đen" từ công việc làm thêm hay những khoản thưởng bất ngờ mới có tiền để đi giao lưu với đồng nghiệp, quà cáp cho cấp trên hoặc biếu bố mẹ đẻ tiền ăn quà, thuốc men mỗi tháng.
Khổ sở vì tính tằn tiện của vợ. Ảnh minh họa
Tôi khổ sở vì tính tằn tiện của vợ đã đành, nhưng đối với các con, vợ cũng chẳng bao giờ phóng khoáng dù chỉ một chút. Hai con tôi đứa 10 tuổi, đứa 7 tuổi mỗi lần được đi mua sắm hay ăn uống thì sung sướng vô cùng, vào nhà hàng lóng ngóng như nhà quê ra tỉnh.
Vợ tôi cực kỳ hạn chế việc cả nhà đi ăn ngoài vì cô ấy hoàn toàn có đủ thời gian để nấu nướng bữa sáng, bữa tối. Mỗi lần cả nhà đi ăn về, nếu không phải là được mời cô ấy sẽ nhẩm tính, kêu than cả tuần vì tiếc tiền. Chưa kể, cô ấy sẽ nhắc lại điều này trong mỗi bữa ăn như “đấy, ở nhà cơm mẹ nấu chỉ tốn trăm ngàn, đĩa rau này ra ngoài hàng cũng mấy chục, đĩa thịt kia chắc chắn không dưới hai trăm...”.
Đồ dùng của các con tôi hầu hết đều... xin được, “sang chảnh” lắm thì vợ mua theo mùa mỗi năm 2 lần với số lượng có hạn. Cứ mùa đông vợ tôi săn đồ mùa hè và ngược lại. Nhiều khi tôi thương con phải tự mình mua đồ mang về, nói là có người tặng. Thế cũng chẳng được yên, vì cô ấy sẽ truy vấn đến cùng ai là người tặng, vì sao lại tặng đồ đắt tiền như thế, vân vân và vân vân.
Bữa cơm hằng ngày vợ tôi cũng tính toán rất chi li, trừ khi nhà có khách, mỗi ngày cô ấy đi chợ không bao giờ vượt quá 100 ngàn. Mâm cơm nhiều khi nhạt nhẽo, quanh đi quẩn lại chỉ có thịt rang, đậu luộc, rau xào, cá rán... Các con đều tuổi ăn tuổi lớn, đòi ăn nhiều thịt thì vợ bảo “ăn thịt có gì tốt, người Nhật sống lâu là vì họ ăn ít, hạn chế tối đa việc ăn thịt”. Thậm chí vợ tôi còn muốn cả nhà ăn chay trường giống như cô ấy nhưng tôi không đồng ý.
Nói ra chị em có thể sẽ ném đá tôi nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy xấu hổ vì vợ mỗi khi ra ngoài. Cô ấy không quan tâm đến xu hướng thời trang hay đam mê mua sắm như hầu hết phụ nữ mà tôi quen. Nhiều bộ đồ tôi thấy cô ấy mặc từ lúc vợ chồng cưới nhau cho đến tận bây giờ, thậm chí đồ lót rách, thủng cô ấy vẫn tận dụng, quyết không vứt đi thay mới. Không ít lần tôi đã nổi nóng, không kìm chế được cơn bực tức mà tranh cãi với vợ nhưng chẳng tác dụng gì.
Tôi phải nhờ mẹ vợ, em vợ góp ý rồi cuối cùng đâu vẫn hoàn đấy. Mỗi dịp sinh nhật, ngày 8/3 tôi mua quần áo, phấn son tặng là cô ấy lại kêu gào, thậm chí còn nghi ngờ tôi có bồ nên mới biết cách mua sắm cho phụ nữ như vậy. Đỉnh điểm là dịp sinh nhật vợ cuối tháng 4 vừa qua, tôi cố ý đặt mua tặng 2 bộ đồ lót hàng hiệu để "đổi gió", hâm nóng cảm xúc mỗi khi vợ chồng ở bên nhau. Vừa mở quà ra cô ấy đã đổi ngay sắc mặt hỏi: “Tại sao anh lại biết chọn đồ này, từ lúc yêu nhau anh có bao giờ quan tâm đến bề ngoài của em đâu, hay bây giờ hay chê em già, em xấu, lạc hậu nên mới tặng những thứ này...”.
Vợ tôi tính toán, chi li từng thứ một trong gia đình. Ảnh minh họa
Tôi thực sự bất lực, thất vọng vì suy nghĩ của vợ. Tôi vẫn cố động viên mình rằng cô ấy xuất thân trong gia đình nghèo, vợ chồng lấy nhau từ lúc khó khăn, cũng nhờ cô ấy biết chắt bóp chúng tôi mới mua được nhà, được xe, cho con học tập trong môi trường tốt. Nhưng giờ kinh tế khá giả rồi, tôi muốn vợ chăm chút cho bản thân, biết cách để gia đình, con cái hưởng thụ thì có gì là sai?
Bao nhiêu năm qua, tôi vất vả phấn đấu, xoay xở kiếm tiền cũng là để gia đình được sống sung túc. Thế nhưng ngược lại vợ tôi vẫn bảo thủ với suy nghĩ phải tằn tiện từng đồng. Tôi biết phải nói thế nào cho cô ấy hiểu tâm tư của tôi bây giờ? Chẳng nhẽ cả nhà tôi ở chung cư cao cấp mà cả đời vẫn cứ “ăn đói mặc rách” như hiện giờ hay sao?
Để được vui vẻ đêm xuân với vợ, anh chồng phải trả từ 500 đến 1 triệu đồng.