Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn trên đường Đặng Dung (phường Tân Định, quận 1) là di tích của lực lượng biệt động Sài Gòn. Căn nhà do vợ chồng ông bà Đỗ Miễn xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai).
Thời kỳ ấy, ông Đỗ Miễn cùng vợ bán cơm tấm cho những người lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang tham chiến ở cuộc chiến tranh Việt Nam. Bên ngoài là quán ăn nhưng căn nhà thực chất là để nuôi giấu cán bộ; cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc Tây... ra chiến khu. Sau năm 1975, quán cơm tấm vẫn hoạt động cho đến khi vợ chồng ông Đỗ Miễn qua đời.
Đầu năm 2018, ông Trần Vũ Bình (con ông Trần Văn Lai) được gia đình ông Miễn giao quyền quản lý căn nhà để mở quán cà phê ngay tại di tích.
"Xuất phát từ tình yêu thương với những người lính biệt động Sài Gòn nên tôi tự mày mò để phục dựng nguyên bản các căn hầm bí mật, từng hiện vật để làm di tích lịch sử kết hợp quán cà phê cho mọi người đến tham quan", ông Bình chia sẻ.
Căn nhà có diện tích tầng trệt khoảng 50 m2 với nền gạch bông thời Pháp, đặt những bộ bàn ghế, tủ kính, vật dụng mà người Sài Gòn hay sử dụng trước năm 1975.
Bên trên là tầng lầu với sàn bẵng gỗ ván. Tầng lầu này cũng là một hầm nổi do ông Trần Văn Lai thiết kế trong vách tường. "Hầm này chung vách tường với nhà kế bên, sâu hơn 2 m, chiều rộng chỉ bằng tấm ván. Những thư từ mật, tài liệu, tiền vàng... được đặt trong các lon nhôm và cất giấu trong hầm nổi. Nếu đậy miếng ván lại thì không ai biết dưới đó là căn hầm", anh Trần Trọng Nghĩa (cháu nội ông Trần Văn Lai) cho biết.
Cũng trên tầng lầu còn một hầm khác có chiều sâu 3 m, vừa đủ một người chui vào. Hầm này được xây dựng trong vòng một năm và ngụy trang bằng chiếc tủ gỗ. Khi phát hiện nguy hiểm, người trong nhà chui vào tủ, mở nắp hầm thoát thân ra con đường phía sau căn nhà.
Quanh nhà là một số hốc để thư từ, tài liệu mật, vũ khí nhỏ... được nguy trang bằng gạch bông. Bên trên là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày nên đối phương khó phát hiện được.
"Khách khi vào quán đều được quản lý giới thiệu về căn nhà, các đồ vật và công năng của từng loại hầm, qua đó hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử của đất nước", anh Nghĩa nói.
Không gian quán cà phê mang sắc thái hoài cổ khi các vật dụng của căn nhà khi xưa đều còn nguyên vẹn. Ngoài ra, chủ quán cũng sưu tập thêm đồ dùng từ những người lính biệt động và một số nguồn khác.
Chiếc máy may có tuổi đời hơn 50 năm mà vợ chồng ông Đỗ Miễn từng sử dụng vẫn còn nguyên vẹn và được đặt ở đúng vị trí cũ.
Những chiếc ti vi, điện thoại, đồ trang trí... trong căn nhà cũng đặt đúng vị trí như cách đây cả nửa thế kỷ.
Ngay cả ly tách, thìa, gạt tàn, dĩa... để pha chế cũng là những vật dụng mà người Sài Gòn một thời sử dụng.
"Sau quán cà phê này, những quán cà phê phong cách biệt động Sài Gòn cũng sẽ ra đời ở các điểm di tích còn lại. Tôi còn ấp ủ thực hiện kế hoạch xây dựng một tour du lịch chở khách đi khắp thành phố, đến các điểm di tích xem kỷ vật, hình ảnh bằng những chiếc xe cổ của cha", ông Trần Vũ Bình chia sẻ.