Dân Việt

Bộ trưởng Bộ Y tế: Không để tình trạng sổ chồng sổ, phần mềm quản lý "trăm hoa đua nở"

Diệu Linh 23/05/2018 00:05 GMT+7
Ngày 22.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và làm việc với 3 trạm y tế xã (TYT) thuộc Tp Hà Nội. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng nhận định hiện các TYT còn quản lý quá nhiều sổ sách, sổ chồng sổ.

Tại TYT xã Minh Châu (huyện Ba Vì), Bộ trưởng nhận định TYT có phòng ốc khang trang, vệ sinh tốt. Tuy nhiên, hiện nay việc ghi chép sổ sách vẫn nhiều và chồng chéo. Theo một nhân viên y tế TYT Minh Châu, mỗi một chương trình, nhiệm vụ của TYT lại có một sổ nên "tính sơ sơ" cả TYT đang có khoảng 70 đầu sổ các loại như sổ khám bệnh, sổ quản lý tiêm chủng, quản lý huyết áp, dân số, uống vitamin, y tế dự phòng, dinh dưỡng, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm...

img

Ba sổ khám bệnh tại TYT xã Minh Châu. Ảnh D.L

Riêng y tế dự phòng cũng có tới 9 sổ quản lý. Còn sổ khám sức khỏe, nhân viên y tế đã phải ghi tới 3 cuốn: sổ khám sức khỏe, sổ khám điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh án bác sĩ gia đình. Để liên thông dữ liệu, các nhân viên y tế lại phải thao tác nhập dữ liệu này vào máy tính... Như vậy, mỗi bệnh nhân đến khám, nhân viên y tế sẽ phải ghi chép rất nhiều, mất thời gian.

"Hệ thống thông tin điện tử đã liên thông, tại sao vẫn để xảy ra tình trạng chồng chéo sổ sách như vậy" - Bộ trưởng chất vấn. Bộ trưởng cũng yêu cầu gộp phần mềm quản lý khám bảo hiểm y tế với phầm mềm quản lý sức khỏe toàn dân để bớt việc cho nhân viên y tế, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân. 

img

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được thăm khám ngay tại địa phương không chỉ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân đỡ vất vả khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe"

Theo báo cáo của TYT xã Minh Châu, hiện TYT xã đang có 7 cán bộ, trung bình mỗi ngày khám cho khoảng 8-10 bệnh nhân. Hiện trạm y tế này đang quản lý 172 bệnh nhân điều trị tăng huyết áp.

Tại cả 3 TYT (TYT xã Minh Châu, TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) và TYT phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đoàn kiểm tra đều đã nhận xét hiện nay người dân ít đẻ ở xã (năm 2017 tại Minh Châu có 25 ca), trong khi đó, các TYT dành quá nhiều phòng ốc cho việc chăm sóc quản lý thai sản, sinh đẻ như phòng tư vấn khám thai, phòng chờ đẻ, phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng đặt vòng... Trong khi lại thiếu phòng truyền thông tư vấn sức khỏe, phòng khám bệnh còn chật chội. Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các TYT phải sắp xếp lại các phòng này cho hợp lý, tránh dàn trải, sử dụng không hết... 

Báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển y tế cơ sở trên địa bàn thành phố cho biết, 100% các trạm y tế đều triển khai lồng ghép hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, hiện gói dịch vụ y tế cơ bản theo quy định tại Thông tư 39/TT-BYT từ tháng 2/2018 tại 100% các trạm y tế. Hầu hết các trạm y tế đều thực hiện được 60-80% số danh mục kỹ thuật theo Thông tư này. Toàn thành phố hiện đã lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 52% dân số.

img

Tiêm phòng tại TYT phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm)

Ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thành phố, Sở Y tế đã phối hợp với các bên liên quan viết phần mềm để kết nối các phần mềm khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế với Phần mềm quản lý sức khoẻ người dân để khi người dân đến khám bệnh là có toàn bộ thông tin về sức khỏe của bản thân trước đó. Hiện Hà Nội đã triển khai 4 TYT điểm bao gồm 3 TYT xã kể trên (Minh Châu, Tân Hội, Tây Mỗ) và TYT phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông). 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trường yêu cầu khi Hà Nội xây dựng 3 trạm y tế hiện đại theo mô hình điểm của Bộ Y tế cần tái cấu trúc lại các phòng chức năng của TYT, làm sao để khu khám bệnh phải rộng rãi, thoáng mát, người dân đến khám được ngồi thoải mái. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các TYT tăng cường thêm hoạt động truyền thông và thăm khám về phòng chống bệnh không lây nhiễm.

“Nâng cao chất lượng y tế cơ sở để người dân được thăm khám ngay tại địa phương không chỉ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên mà còn giúp người dân đỡ vất vả khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Theo đó, trước mắt cần chuyển người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường về địa phương theo dõi và nhận thuốc định kỳ.”- Bộ trưởng nhấn mạnh