Dân Việt

Bản quyền Ngoại hạng Anh: “Gậy ông đập lưng ông”

23/01/2013 19:54 GMT+7
Dân Việt - Mức giá 37,5 triệu USD (khoảng 800 tỷ đồng) mà tập đoàn IMG của Mỹ chào bán bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) ở Việt Nam, quả thực quá khủng khiếp với các nhà đài. Vì đâu đến nỗi?

Con số 37,5 triệu USD là quá “sốc” nếu biết rằng mùa giải 2002-2003, truyền hình Việt Nam (lần đầu tiên mua bản quyền EPL) chỉ phải bỏ ra 450.000 USD để có quyền phát sóng EPL. Thậm chí trước đó giai đoạn 1995-2002, Dunhill đã đưa EPL tới với người hâm mộ Việt Nam thông qua các nhà đài, theo cách đổi quảng cáo lấy bản quyền truyền hình.

img
Các nhà đài trong nước “đá nhau” đã tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài hưởng lợi

11 năm sau, cái giá “tối thiểu” mà IMG đưa ra cho bản quyền truyền hình EPL (giai đoạn 2013-2016) là 37,5 triệu USD (12,5 triệu USD/mùa). Con số này gấp khoảng 27 lần so với thời điểm 2002-2003!

Tại sao, tập đoàn IMG lại đủ dũng cảm và tự tin đến độ chào hàng các đối tác Việt Nam với cái giá "trên trời" như vậy trong thời điểm kinh tế vô cùng khó khăn? Có lẽ “cái gốc” của câu chuyện bắt đầu từ chính chuyện “gà nhà đá nhau”.

Đến giờ, chưa ai quên giai đoạn 2007-2010, khi Đài truyền hình kỹ thuật số VTC mới ra đời và cần quảng bá thương hiệu, chính họ đã chơi chiêu độc quyền, chấp nhận mua bản quyền EPL với giá 4 triệu USD, cao hơn gấp đôi so với giai đoạn 2004-2007 (1,8 triệu USD).

img
Người hâm mộ Việt Nam sẵn sàng "chịu nhịn" EPL

Khi Dân Việt đặt ra vấn đề này vào chiều 23.1, ông Vũ Quang Huy, Phó Giám đốc VTC, giải thích: “Giai đoạn 2007-2010, chúng tôi chỉ độc quyền truyền hình số mặt đất. Những thuê bao có đầu thu VTC sẽ được xem các trận đấu EPL với chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt hơn.

Khán giả vẫn có thể xem EPL qua ESPN hay kênh truyền hình quảng bá VTC1. Và nói không quá, VTC chẳng… độc quyền gì cả. Đây là điểm khác biệt cơ bản nhất so với cách K+ đã độc quyền tuyệt đối các trận EPL ngày chủ nhật trong giai đoạn 2010-2013”.

Nhưng dù thế nào VTC cũng không thể phủ nhận lỗi trong việc châm “đốm lửa nhỏ”, bắt đầu cho một “ngọn lửa lớn” cho việc đẩy giá bản quyền EPL lên mức “trời ơi”. Thực tế, sau VTC, đến lượt K+ (con đẻ của Đài truyền hình Việt Nam) tung chiêu độc quyền phát sóng EPL ở mức độ cao hơn.

Với quyết tâm tạo ra “món đặc sản” riêng để khẳng định chỗ đứng, K+ đã mua gói độc quyền phát sóng các trận đấu EPL ngày chủ nhật trên toàn lãnh thổ Việt Nam, qua đó khiến tổng giá trị bản quyền EPL bị đẩy lên thành 19 triệu USD trong giai đoạn 2010-2013.

Còn hiện tại, nếu trong giai đoạn 2013-2016, các nhà đài trong nước không tìm được tiếng nói chung, tiếp tục “mạnh ai nấy đá”, giúp đối tác nước ngoài vô tư cười nụ kiếm lời, thì không biết trong tương lai, giá bản quyền truyền hình EPL còn leo thang tới đâu?

Với tư cách là một người hâm mộ trung thành của môn "thể thao Vua", ông Trần Song Hải-Phó Chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam, chia sẻ: “Ba năm trước, chúng tôi đã phát động chương trình 1 triệu chữ ký phản đối K+ độc quyền các trận đấu EPL ngày chủ nhật. Và chỉ trong có 5 ngày, chúng tôi đã thu được 350.000 chữ ký.

Điều đó đủ để hiểu sự bức xúc trong dư luận lớn thế nào. Phía trước, làn sóng phản ứng sẽ còn dữ dội tới đâu nếu các nhà đài tiếp tục “đá nhau”, chấp nhận để đối tác nước ngoài hưởng lợi, còn người hâm mộ trong nước lại phải oằn lưng gánh phí thuê bao tăng vọt”.

Cũng theo ông Hải, chúng ta không nên “thần thánh hóa” EPL. Bởi trên thế giới, còn nhiều giải đấu khác: Serie A, La Liga, Bundesliga và J.League - giải chúng ta cần học hỏi. Thiết thực hơn, V.League cũng đang rất cần được đầu tư mà không có tiền. “Vậy tại sao chỉ vì thú xem EPL mỗi ngày cuối tuần mà tiêu tốn cả 800 tỷ đồng?”, ông Hải chốt lại.

Ngày 23.1, ông Vũ Văn Hiến, Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (HHTHTTVN), đã ký công văn số 04/2013/HH-THTT gửi VTV, VTC, HTV TP.HCM, HTV Hà Nội và các đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, về việc đề nghị hợp tác và thống nhất tiếng nói chung trong việc mua bản quyền EPL giai đoạn 2013-2016.

Công văn nêu rõ: “Theo tinh thần Hội nghị Ban Thường vụ hiệp hội lần thứ 5 vào ngày 19.1.2013, để tránh tình trạng đàm phán riêng lẻ giữa các Đài truyền hình, các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, với đối tác nắm bản quyền EPL, khiến cho giá mua chắc chắn bị đẩy cao, tạo gánh nặng về kinh phí trong hoàn cảnh kinh tế chung đang hết sức khó khăn, HHTHTTVN đề nghị:

1. Tất cả các Đài truyền hình lớn và các đơn vị kinh doanh trả tiền thống nhất quan điểm: “tất cả các đơn vị có nhu cầu cùng mua, cùng chia sẻ bản quyền EPL, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, không gây thiệt hại cho từng đơn vị nói riêng và cả hệ thống truyền hình trả tiền nói chung”.

2. Các đơn vị tham gia mua (hoặc không mua) bản quyền EPL gửi văn bản về HHTHTTVN nêu rõ ý kiến thống nhất (hoặc không thống nhất) với đề xuất của Hiệp hội, đồng thời đóng góp các sáng kiến, đề xuất khác (nếu có). Đề nghị hồi âm trước ngày 30.1.2013