Đại biểu Bùi Văn Phương (ảnh VPQH).
Chiều nay (23.5), trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh việc trạm BOT sẽ chuyển từ thu phí sang thu giá, đại biểu Bùi Văn Phương nói: Theo kinh tế thị trường cung cấp dịch vụ là dạng của giá, trước đây là phí, phí liên quan tới HĐND địa phương quyết định.
“Theo nguyên tắc thì BOT của nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư nên họ tính giá dịch vụ và những người sử dụng dịch vụ đó phải trả giá dịch vụ. Chuyển từ phí sang giá là đúng với bản chất kinh tế, nhà đầu tư bỏ vốn để tạo ra dịch vụ cung cấp cho thị trường nên người sử dụng phải trả giá”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Phương cho rằng vấn đề từ phí chuyển sang giá là vấn đề ông đang quan tâm. Nếu như BOT được đầu tư trên con đường hoàn toàn mới, doanh nghiệp đưa ra giá để người dân, doanh nghiệp lựa chọn là một chuyện. “Đúng ra theo nguyên tắc thị trường nhà đầu tư cung cấp sản phẩm đó, còn doanh nghiệp, người dân dùng hay không là quyền của họ. Nhưng điều đáng nói là BOT lại trên đường độc đạo, nên người sử dụng không có sự lựa chọn nào khác, là giá dịch vụ nhưng là dạng độc quyền”, đại biểu Phương nói.
Trạm thu phí BOT chuyển thành thu giá khiến dư luận xôn xao (ảnh IT).
Vẫn theo đại biểu Bùi Văn Phương, cơ quan chuyên môn phải làm rõ cơ sở, căn cứ chuyển sang giá, nếu BOT xác định là giá thì thu ở cung đường nào. “Nếu cung đường trên nền tảng đầu tư của Nhà nước, cấu trúc đường độc đạo thì việc thu giá là bất ổn”, đại biểu Phương cho biết.
Vị Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình này cho biết, tới phiên chất vấn của Quốc hội tới ông sẽ hỏi cơ sở nào chuyển từ phí sang giá. “Việc chuyển từ phí sang giá đúng theo quy luật kinh tế thị trường nhưng phải xem xét nên có những trạm BOT không được chuyển sang giá mà vẫn phải theo tính phí, chẳng hạn như đường độc đạo, những đường này không thể tự định giá tuỳ ý. Trạm BOT ở đường độc đạo, giá do anh tự quyết sẽ là giá độc quyền”, đại biểu Phương nhấn mạnh.
Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề quan trọng nhất làm sao để người dân hiểu, dù trạm BOT có thu theo hình thức nào thì cũng là khoản chi phí mà người sử dụng dịch vụ phải bỏ ra.
“Điều quan trọng nhất là người dân thấy chi phí đó có xứng đáng, phù hợp thỏa đáng với dịch vụ sử dụng hay không, thu như vậy có minh bạch không. Riêng chi phí trong lĩnh vực BOT rõ ràng không phải doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, như vậy ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề xã hội, đặc biệt, kể cả vấn đề kinh tế. Tất cả các cuộc điều chỉnh giá đến nay, đều phải do doanh nghiệp xây dựng phương án và các cơ quan Nhà nước đồng ý, phê duyệt mới được xác định giá bao nhiêu”, đại biểu Sinh nói.
Vẫn theo đại biểu Sinh, giá hay phí qua trạm BOT là loại chi phí đặc biệt, phải có sự kiểm soát của Nhà nước vì liên quan đến đầu tư, vòng đời dự án và không có chuyện giá doanh nghiệp muốn tăng bao nhiêu thì tăng.
Đại biểu Sinh cho rằng, muốn làm gì thì điều quan trọng nhất cần minh bạch từ đầu. “Việc triển khai BOT trong thời gian vừa qua chưa thực sự minh bạch nên giờ chúng ta đang lập lại sự minh bạch đó bằng cách thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, để xác định giá đầu tư ban đầu là bao nhiêu cho chính xác, trên cơ sở đó có phương án tính chi phí của một phương tiện vận chuyển trên quãng đường bao nhiêu là hợp lý, chứ không phải muốn tăng bao nhiêu thì tăng”, đại biểu Sinh nói.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), việc dư luận phản ứng chuyện Bộ Giao thông Vận tải đổi tên trạm thu phí BOT thành thu giá xuất phát từ nguyên nhân thiếu minh bạch, công khai trong đầu tư BOT. Thu phí hay thu giá thì cơ quan quản lý Nhà nước phải làm rõ, minh bạch, công bằng lợi ích các bên.
Vẫn theo đại biểu Quốc đường BOT không phải sở hữu của nhà đầu tư nên thu phí là hợp lý, chứ không thể thu giá. "Ở đây thực chất doanh nghiệp đóng góp "cổ phần" giá trị con đường chứ không phải chủ sở hữu nên không thể thu giá. Họ không thể bán cái mình không có, mà chỉ có thể thu tỷ lệ nào đó theo thời gian xác định", đại biểu Quốc nói.