HÀNH TRÌNH RA ÁNH SÁNG
“John Doe: Xin chào, đây là John Doe. Anh có quan tâm tới dữ liệu không? Tôi rất vui lòng chia sẻ.
Nhà báo Obermayer: Chúng tôi rất quan tâm.
John Doe: Có vài điều kiện. Mạng sống của tôi đang gặp nguy. Chúng ta sẽ chỉ trò chuyện về các tài liệu mã hóa. Không bao giờ gặp.
Nhà báo Obermayer: Tại sao anh làm điều này?
John Doe: Tôi muốn đưa những tội ác này ra công chúng
Nhà báo Obermayer: Chúng ta đang nói về bao nhiêu dữ liệu?
John Doe: Nhiều hơn bất kỳ thứ gì anh từng thấy.
Quy mô của “Hồ sơ Panama” so với các vụ rò rỉ thông tin trước.
Vài tháng sau đó, John Doe đã chuyển khoảng 11,5 triệu tài liệu ước tính 2,6 terabyte dữ liệu cho nhà báo Obermayer. Đúng như lời John Doe hứa hẹn, nhà báo Obermayer chưa từng thấy một lượng tài liệu rò rỉ nào lớn đến thế. Dữ liệu nói trên cho người xem một cái nhìn hiếm hoi vào một thế giới chỉ có thể tồn tại trong bóng tối. Người ta có thể thấy trong đó một ngành kinh doanh toàn cầu mà các ngân hàng lớn, công ty luật và công ty quản lý tài sản bí mật quản lý bất động sản của giới nhà giàu và nổi tiếng toàn thế giới.
Tờ Süddeutsche Zeitung đã quyết định hợp tác với Hội Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) để phân tích dữ liệu. ICIJ đã điều phối quá trình nghiên cứu các dự án trước đó mà tờ Süddeutsche Zeitung từng tham gia, trong số đó có các vụ rò rỉ như Offshore Leaks, Lux Leaks, và Swiss Leaks. Hồ sơ Panama là vụ hợp tác quốc tế lớn nhất từng có. Trong suốt 12 tháng, khoảng 400 nhà báo thuộc hơn 100 cơ quan báo chí, truyền thông ở hơn 80 quốc gia đã tham gia nghiên cứu tài liệu. Họ gồm các nhóm từ báo The Guardian và BBC của Anh, Le Monde của Pháp, La Nacion ở Argentina. Các nhà báo thuộc tờ Sonntagszeitung của Thụy Sỹ và tuần báo Falter của Áo cũng tham gia dự án cùng đồng nghiệp thuộc hãng phát thanh truyền hình quốc gia Áo ORF. Ở Đức, các nhà báo Süddeutsche Zeitung đã phối hợp với đồng nghiệp thuộc hai hãng phát thanh truyền hình NDR và WDR. Nhóm nhà báo quốc tế lúc đầu gặp nhau ở Washington, Munich, Lillehammer và London để vạch ra các tiếp cận nghiên cứu.
Sở dĩ phải phối hợp với nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đến vậy là vì quy mô của “Hồ sơ Panama” quá lớn. Hồ sơ này nhiều hơn tổng tài liệu của các vụ rò rỉ thông tin trước đây. Nếu lượng thông tin bị rò rỉ trong vụ Wikileaks chỉ là 1,7 GB, vụ Offshore Leaks là 260 GB thì vụ “Hồ sơ Panama” là 2,6 terabyte. Dữ liệu chủ yếu gồm thư điện tử, tập tin dạng pdf, ảnh, các phần thông tin lấy từ cơ sở dữ liệu nội bộ của Mossack Fonseca. Hồ sơ trải dài trong một giai đoạn từ những năm 1970 đến mùa xuân năm 2016.
Trong các cuộc gặp, các nhà báo đã kiểm tra chéo một lượng lớn tài liệu, gồm cả các bản sao hộ chiếu. Cách đây khoảng 2 năm, một người tiết lộ thông tin đã bán dữ liệu nội bộ của Mossack Fonseca cho chính quyền Đức nhưng bộ dữ liệu này cũ hơn và nhỏ hơn nhiều về quy mô. Số tài liệu đó chỉ đề cập tới vài trăm công ty được thành lập ở các “thiên đường trốn thuế”, còn tài liệu trong “Hồ sơ Panama” có thông tin liên quan tới 214.000 công ty.
Qua số tài liệu bị rò rỉ từ Mossack Fonseca, các nhà báo đã biết công ty này sắp xếp tài liệu theo từng công ty bình phong. Mỗi công ty như vậy có một danh mục (folder) riêng. Mỗi danh mục chứa thư điện tử, hợp đồng, bản sao và tài liệu dạng hình ảnh được quét. Trong một số trường hợp, mỗi danh mục có tới vài nghìn trang tài liệu.
Để nghiên cứu được số dữ liệu khổng lồ này, bà Sheila Coronel, một nhà báo điều tra kỳ cựu và chuyên gia Trường Báo chí Columbia, cho biết các nhà báo toàn cầu đã thiết lập một mức độ hợp tác ở tầm cao mới. Bà nói: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự hợp tác nào lớn như vậy về mặt số nhà báo và cơ quan báo chí cũng như số quốc gia liên quan”. Mỗi nhà báo được độc lập và tự chủ trong tìm kiếm nguồn tài liệu khủng để xem thông tin nào liên quan tới độc giả của báo họ.
Thực ra, dữ liệu vụ “Hồ sơ Panama” xuất hiện trong bối cảnh khó khăn của báo chí điều tra nói riêng và ngành báo nói chung trên toàn cầu. Số người làm báo đã giảm đều đặn năm này qua năm khác. Các nhà báo bỏ nghề, tìm việc khác, chủ yếu là việc trong các công ty quan hệ công chúng.
Sở dĩ phải cần nhiều nhà báo và cơ quan báo chí như vậy là vì “Hồ sơ Panama liên quan tới rất nhiều quốc gia, công ty và cá nhân. Mỗi cái tên trong hồ sơ cần một nhà báo tại quốc gia đó để điều tra. Tuy nhiên, không phải ai cũng được ICIJ mời tham gia dự án. Dễ nhận thấy sự vắng bóng của một số tên tuổi lớn ở Mỹ như The New York Times, The Wall Street Journal, Washington Post hay như tờ The Intercept của nhà báo Glenn Greenwald và Laura Poitras - hai người đóng vai trò chính trong đưa tin vụ rò rỉ thông tin của Edward Snowden.
Lý giải sự vắng mặt này, bà Marina Walker, Phó Giám đốc ICIJ nói không phải là do ICIJ không thể hợp tác với mấy tờ đó mà là do bản chất của việc hợp tác trong dự án “Hồ sơ Panama” mang tính mở, có nghĩa là mỗi đối tác bắt buộc phải chia sẻ bất kỳ phát hiện nào quan trọng hoặc liên quan cho các đối tác khác cùng tham gia. Trong khi đó, một số báo lại không thoải mái trong việc chia sẻ do quy định riêng về bảo mật.
Trong suốt quá trình điều tra, các nhà báo đã giữ bí mật một cách hoàn hảo về dự án. ICIJ đã xây dựng một hệ thống tìm kiếm trực tuyến để các cơ quan báo chí tham gia sử dụng, trong đó có cả hệ thống trò chuyện và biện pháp xác nhận danh tính hai bước. Nhờ hệ thống này mà các nhà báo có thể liên lạc, phối hợp, thông tin cho nhau một cách an toàn cho dù mỗi người ở một nơi.
Trong vụ “Hồ sơ Panama”, cách tiếp cận của báo chí khác so với các vụ rò rỉ thông tin gần đây. Như vụ trong WikiLeaks, toàn bộ tài liệu được đưa lên mạng để ai cũng có thể đọc. Còn đối với “Hồ sơ Panama”, thông tin không có trên mạng và chỉ xuất phát từ báo chí. Theo giải thích của tờ Le Monde, nguyên nhân là vì nhiều tài liệu chứa thông tin cá nhân và nhạy cảm. Theo bà Walker, một số dữ liệu như công ty và tên chủ sở hữu sẽ được đưa lên mạng còn các dữ liệu khác sẽ được cung cấp khi có yêu cầu.
Kể từ khi báo chí đồng loạt đưa tin về “Hồ sơ Panama”, đã có nhiều nhân vật nổi tiếng lao đao, thậm chí “ngã ngựa” giữa đường. Họ là ai và họ đã làm gì?