Vừa qua, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã lý giải thêm về cách đổi tên các “Trạm thu phí BOT” thành “Trạm thu giá BOT”.
Ông Thể cho rằng việc thay đổi từ “thu phí” sang “thu giá” dẫn đến sự thay đổi của các trạm BOT. “Thời gian trước đây mỗi lần điều chỉnh thì rất khó khăn vì điều chỉnh phí thuộc thẩm quyền HĐND địa phương mà HĐND thì không thể linh động được. Nay chuyển sang giá thì bản chất nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy, nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh một cách nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực” – ông Thể nói.
Trạm thu phí đã được đổi tên thành Trạm thu giá
Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, luật sư cho rằng bản chất trạm BOT khi đổi tên không có gì thay đổi. Dưới đây là góc nhìn của luật sư Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty TNHH luật Youme.
Thưa ông, từ “thu giá” dịch vụ từ đâu mà có?
Trước đây, theo Điều 2 Pháp lệnh Phí và lệ phí 2001, khái nhiệm phí được định nghĩa là: “khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”.
Tuy nhiên, theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017 thì phí đã được định nghĩa lại là: “khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”.
Với quy định này, "phí" đang từ một khái niệm để chỉ khoản tiền trả cho bất cứ dịch vụ nào được chuyển thành khoản tiền trả cho dịch vụ công. Với nội hàm mới, chỉ sử dụng cho dịch vụ công, khái niệm "phí" sử dụng đường bộ đã không còn thuộc vào phạm trù phí và được điều chỉnh thành thu giá.
Vậy “thu giá” và “thu phí” có sự khác biệt như thế nào?
Với định nghĩa mới theo Luật phí và lệ phí, phí cơ bản nhằm bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công. Phí là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, không chịu thuế.
Tuy nhiên, nếu là giá dịch vụ, sẽ được quản lý theo cơ chế thị trường. Trong một số lĩnh vực, giá sẽ được cơ quan nhà nước định mức giá, khung giá, mức giá tối đa, mức giá tối thiểu.
Nguyên tắc định giá được xác định là bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ. Và kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Bên cạnh đó, xét về định lượng tiền, giá sẽ cao hơn phí. Theo quy định của Luật phí và lệ phí, phí cơ bản là nhằm bù đắp chi phí và mang tính phục vụ. Do đó, phí không mang mục tiêu lợi nhuận.
Theo Luật giá, giá được điều tiết theo cơ chế thị trường, mang tính chất kinh doanh và phải chịu thuế
Còn giá, theo Luật giá, được điều tiết theo cơ chế thị trường, ngoài chi phí, giá được gắn thêm lợi nhuận, và dịch vụ có giá không còn đơn thuần mang tính phục vụ mà nhằm mục đích kinh doanh.
Ngoài ra, phí là khoản thu ngân sách nên không chịu thuế, còn giá dịch vụ thì mang tính chất kinh doanh, phải chịu thuế.
Việc thay đổi về nội hàm của khái niệm phí thành giá, cơ quan quản lý cũng được thay đổi. Trước đây, phí sử dụng đường bộ do Bộ Tài chính quy định đối với đường thuộc trung ương quản lý và do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với đường thuộc địa phương quản lý thì nay, giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT (Nghị định 177/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật giá).
Vậy việc đổi tên các trạm thu phí BOT thành “trạm thu giá BOT” có được cho là hợp lý không thưa luật sư?
Thu phí, lệ phí hay thu gì đi chăng nữa tựu trung lại đều là thu tiền. Tùy vào bản chất của mỗi loại dịch vụ mà người sử dụng phải trả tiền, tiếng Việt có từ có phạm trù hẹp hơn, chính xác hơn để sử dụng.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh, việc Bộ GTVT sử dụng từ thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ, xét ở khía cạnh ngôn ngữ là tối nghĩa.
Nếu không thể sử dụng từ thu phí như trước đây, chúng ta có thể sử dụng từ “thu tiền” sử dụng dịch vụ đường bộ. Trạm thu phí dịch vụ đường bộ có thể đổi thành trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ.
Trả phí, trả tiền sử dụng dịch vụ đường bộ còn có nghĩa, chứ không ai lại đi trả giá sử dụng dịch vụ đường bộ. Nếu là trả giá, nó lại mang một ý nghĩa rất khác. Người ta có thể đặt câu hỏi, với hàng loạt trạm BOT bất hợp lý, ai đang phải “trả giá”?
Ở một góc cạnh chuyên môn, khi chuyển thành “trạm thu giá”, Bộ GTVT có am hiểu hơn về lĩnh vực giao thông, quyết định có thể sẽ nhanh nhạy hơn so với các cơ quan khác.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, các tuyến đường BOT được xây dựng dựa trên Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư.
Vậy nếu cơ quan nhà nước, vừa là một bên trong Hợp đồng BOT, vừa là cơ quan định giá sử dụng dịch vụ sẽ khó đảm bảo được sự khách quan cũng như phản ánh được đúng tình hình thực tế tại các địa phương cũng như nhu cầu của nhân dân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trạm thu phí vốn là khái niệm mà chúng ta đã quen dùng, nó phản ánh đúng bản chất của việc trả tiền để sử dụng dịch vụ. Trạm thu giá, như đã nói, là từ tối nghĩa, không phản ánh đúng bản chất của vấn đề. Tuy nhiên, vì Luật Phí và Lệ phí lại có định nghĩa khiến cho phí bị thay đổi về nội hàm, khiến cho việc sử dụng cụm từ Trạm thu phí trở nên không đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu muốn sử dụng từ Trạm thu phí, chúng ta phải sửa Luật Phí và Lệ phí. Còn nếu không muốn sửa luật thì nên sửa các văn bản dưới luật, đổi các từ “thu giá” thành “thu tiền” cho đúng với bản chất và đúng với ngôn ngữ tiếng Việt. Trạm thu giá …nên được đổi thành Trạm thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ. |