Dân Việt

Phòng ngừa cần hơn thành tích!

24/01/2013 07:19 GMT+7
(Dân Việt) - Giảm thiểu án oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là những vấn đề nóng nhất được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề cập trong Hội nghị triển khai Nghị quyết 37 của Quốc hội và Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), diễn ra ngày 23.1.

Cách đây 2 tháng, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết về hoạt động tư pháp. Đó là Nghị quyết số 37 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND), Tòa án nhân dân (TAND) và công tác thi hành án năm 2013.

img
Tiêu cực, tham nhũng ở Vinalines đã không được phát hiện sớm dù có nhiều đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán đến làm việc (ảnh minh họa).

Đừng chạy theo thành tích

Trong nỗ lực giảm án oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, ngành tư pháp đã đề ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ giải quyết đơn thư tố giác, tin báo tội phạm từ 90% trở lên, hạn chế việc kéo dài, quá hạn... Với ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện KSND TC Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ phấn đấu nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị đảm bảo tỷ lệ các kháng nghị được TANDTC chấp nhận đạt 70% trở lên. Còn Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình thì khẳng định, mục tiêu của TANDTC là hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán, phấn đấu giảm hơn 1% so với năm 2012, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm...

Đánh giá cao sự chuẩn bị và những nỗ lực của các cơ quan tư pháp, ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội không quên cảnh báo các cơ quan tư pháp phải đánh giá đúng tình hình thực tế và đừng mắc bệnh thành tích, vì chạy theo chỉ tiêu mà quên đi biện pháp quan trọng nhất chính là phòng ngừa.

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị ngành tư pháp phải đẩy nhanh hơn tiến độ giải quyết các vụ án hình sự, tham nhũng, vụ án điểm, đặc biệt là các vụ do các cơ quan tư pháp cấp T.Ư thụ lý. Bà nêu ra hai dẫn chứng cụ thể: Một là vụ án đối với bị cáo Phạm Đình Tiếng - nguyên cán bộ công an, bị cơ quan điều tra truy tố về tội nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến nay đã 7 năm mà vẫn chưa tuyên được có tội hay không có tội, dù đã qua một phiên xử sơ thẩm. Vụ thứ 2 liên quan tới bị can Trần Minh Anh (Hà Nội) bị truy tố về tội lừa đảo, bị tạm giam từ tháng 4.2009 đến nay nhưng vẫn chưa một lần xét xử sơ thẩm. Bà Nga đề nghị TANDTC phải giải trình rõ với UBTVQH về 2 vụ việc này.

Về tình trạng tội phạm cướp, cướp giật gia tăng tại nhiều địa phương thời gian qua, bà Nga đề xuất địa phương nào để xảy ra tình trạng trộm cướp lộng hành, phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương đó, từ cấp tỉnh, thành phố tới cấp quận, huyện. “Những ai không đáp ứng được nhiệm vụ thì thay sớm, để đảm bảo an toàn tính mạng và cuộc sống của người dân”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K'sor Phước thì nêu thực trạng: Có một bộ phận nhân dân thiếu niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật nên đã tự xử theo cách của mình. “Thời gian qua có nhiều vụ người dân đánh hội đồng đến chết người vi phạm pháp luật. Cái này phải xem lại hoạt động tư pháp của ta”.

Nâng cao trách nhiệm phát hiện tham nhũng

Về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang chính thức xác nhận thông tin ông Phạm Thanh Tân - nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cũng trong nỗ lực đấu tranh với tội phạm tham nhũng, năm 2012, cơ quan công an đã khởi tố và bắt giam Đỗ Quốc Khánh - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải dầu khí Falcon về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.518 vụ có liên quan tới tội phạm về kinh tế, tham nhũng.

Góp ý về công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Đình Quyền đề nghị Thanh tra Chính phủ phải có chỉ thị trong toàn ngành về tăng cường trách nhiệm trong phát hiện tham nhũng. Ông nêu ví dụ: “Trước khi bị phát hiện tham nhũng, Vinashin, Vinalines đều được thanh tra, kiểm toán làm việc mà không phát hiện vấn đề gì. Đến khi tham nhũng xảy ra, các đồng chí thanh tra trước đó không bị làm sao, phải chịu trách nhiệm gì?”.

600 tội phạm căng thẳng chờ thuốc tử hình

Về việc triển khai thi hành án tử hình bằng thuốc độc, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết, đến thời điểm này vẫn còn 532 bị án tử hình chưa thi hành do phải chờ nguồn thuốc độc. Chính vì vậy, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 82 năm 2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, theo hướng sử dụng thuốc độc sản xuất trong nước...

Tuy nhiên, nhiều thành viên của UBTVQH đều yêu cầu Bộ Công an, Bộ Y tế phải sớm cho biết thời gian cụ thể có thể thực hiện được việc thi hành án tử hình bằng thuốc độc. “Bộ Y tế báo cáo xem ta có sản xuất được thuốc không? Hội đồng khoa học đã họp rồi, các giáo sư cũng khẳng định ta làm được mà sao giờ vẫn dự kiến thì không được. Gần 600 tội phạm chờ tử hình là rất căng thẳng” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc nhở.