Dân Việt

Quản lý thức ăn đường phố: Khám sức khỏe cho... người bán

24/01/2013 06:25 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Thanh Phong-Cục phó Cục ATTP cho biết, Thông tư 30 ra đời nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Người bán thức ăn phải khám sức khỏe, nếu không sẽ là nguồn lây truyền lớn cho người tiêu dùng.

Ngày 23.1, tại buổi gặp gỡ báo chí để “trần tình” về Thông tư 30, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận: “Cấp sổ đỏ còn vòng vo mãi chưa làm xong thì nói gì đến việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cửa hàng kinh doanh đồ ăn”.

Thông tư có thể “linh động”

Theo Cục trưởng Trần Quang Trung, Thông tư 30 hướng tới các cửa hàng kinh doanh đồ ăn có địa chỉ, còn các gánh hàng rong thì khó thực hiện nhưng số lượng không đáng kể (?!). Thông tư có quy định người bán hàng ăn đường phố phải được tập huấn về ATTP và cấp giấy chứng nhận.

img
Quy định “linh động” có thể khiến các chủ hàng thức ăn đường phố
dễ dàng lách luật (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, điều đó cũng “không quan trọng” mà chỉ cần người bán hàng khẳng định họ đã biết về thông tư và nói rõ họ từng được tập huấn tại đâu là đủ. Còn về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm thì chỉ cần người bán có cuốn sổ ghi rõ đã mua hàng của ông bà nào, ở chợ nào là đủ. Ông Trung khẳng định sẽ tập huấn cho cán bộ giám sát để họ không thực thi máy móc.

Như vậy, quy định của thông tư một đằng nhưng theo những người soạn và chỉ đạo triển khai thì vẫn có những điều khoản hết sức linh động. Đó có thể là những kẽ hở để các đối tượng áp dụng Thông tư 30 “lách” và vẫn tiếp tục vi phạm.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong – Cục phó Cục ATTP cho biết, Thông tư 30 ra đời nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Người bán thức ăn buộc phải khám sức khỏe. Trước đó, Đoàn Thanh tra của Bộ Y tế đã từng đi kiểm tra và phát hiện 1 người dùng tay không bốc bún bán cho học sinh.

Tay người này bị chín mé (xước ngón tay và sưng to) bị nhiễm tụ cầu trùng vàng... Sau khi ăn bún, 36 học sinh mẫu giáo bị đau bụng. Đoàn Thanh tra còn phát hiện nhiều người bán hàng ăn bị bệnh truyền nhiễm như lao, cảm cúm… “Như vậy, nếu họ không được khám sức khỏe thì sẽ là nguồn lây truyền lớn cho người tiêu dùng” – ông Phong khẳng định.

Chờ “5 năm”

Thực tế hiện nay, người bán hàng rong chủ yếu là dân nghèo nên chưa có điều kiện đi khám sức khỏe và họ cũng không muốn đi khám. Ông Phong lạc quan rằng, thời gian tới sẽ khuyến khích các địa phương tập huấn kiến thức ATTP và khám bệnh miễn phí cho người kinh doanh thức ăn đường phố.

Ông Phong cũng cho biết, Thông tư 30 có hiệu lực từ 20.1, nhưng đó chỉ là thời gian bắt đầu thực hiện. Còn phải có quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện, nếu người bán hàng ý thức được vấn đề quan trọng của giữ gìn ATTP thì họ sẽ tự giác làm theo.

Một số mô hình mà Cục cũng “mơ ước” là việc quy định người bán hàng rong không được tự rửa chén bát mà phải dùng bát sạch của một công ty được giao nhiệm vụ “rửa bát” và trả phí cho họ. Tuy nhiên, Cục vẫn chưa tính đến các hộ kinh doanh nhỏ, tự làm từ A đến Z.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (dưới 20 người): Không đi khám sức khỏe là 1-2 triệu đồng; giấy xác nhận khám sức khỏe định kỳ hết hạn sử dụng từ 0,5-1 triệu đồng; hành vi không tập huấn cập nhật kiến thức ATTP từ 0,5-1 triệu đồng...
(Theo Cục ATTP)

Ông Phong có nhắc lại Quyết định 41 của Bộ Y tế có hiệu lực từ năm 2007 cũng với những nội dung tương tự như Thông tư 30, như: Đồ ăn phải bày trong tủ kính, bàn ăn cách mặt đất 60cm hay người bán phải được tập huấn, được khám sức khỏe...

Theo ông Phong, nhờ có Quyết định 41 mà nhiều người bán đã có ý thức hơn. “Một văn bản ra đời thì không thể yêu cầu nó thành công ngay mà phải mất 3 năm, 5 năm mới có kết quả. Nhưng cần thiết thì vẫn phải ban hành” – ông Phong nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Đại (nguyên chuyên viên Bộ Y tế) cho rằng, việc quản lý người bán hàng rong là “thả gà ra đuổi”. “Tại sao không đảm bảo thực phẩm sạch từ nguồn cung, cấm hàng ôi thiu, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc? Mỗi cửa hàng như thế bán cho hàng trăm người mua, chẳng phải quản họ dễ hơn hay sao”? – ông Đại đặt câu hỏi.