Hơn 15 năm qua, bà Nguyệt (hiện 70 tuổi, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP HCM) luôn phải sống trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì mình được thoát khỏi người chồng vũ phu, ngoại tình sau hàng chục năm sống trong chịu đựng và nước mắt. Buồn vì bà thấy bị làm phiền khi ông Minh (hiện 80 tuổi, quê Vĩnh Long) hết lần này đến lần khác đến nhà xin quay về vì cuộc sống với người vợ hiện tại không hạnh phúc.
Ông Minh và bà Nguyệt từng có hơn 40 năm là vợ chồng. Họ có với nhau năm người con, ba trai hai gái đều có gia đình riêng. Thế nhưng, cuộc hôn nhân ấy không hạnh phúc. Ông Minh không những không tu chí làm ăn, còn ngoại tình với hết người này đến người khác, đánh vợ suốt 18 năm liền.
Uất ức, mệt mỏi, bà Nguyệt từng có ý định ly hôn vào các năm 1980, 1996 và năm 2000 nhưng lại nhịn, vì nghĩ trong đám cưới của con, nếu không có cha mẹ bên cạnh sẽ bị thông gia dị nghị, khinh thường. Bà gắng chịu đựng, chờ con trai, con gái yên bề gia thất rồi tính.
Năm 2003, ông Minh tiếp tục cặp với cô gái trẻ hơn mình 45 tuổi, xinh đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào. Về nhà, ông buộc vợ phải bán căn nhà hơn 100m2 đang ở, đưa tiền cho mình cung phụng người tình. Bà Nguyệt không đồng ý thì bị chồng đánh đến chấn thương, phải nhập viện điều trị. Cho đến khi có sự can thiệp của công an xã bà mới được yên.
Bà Nguyệt cho biết, hồi còn là vợ chồng đã nhiều lần tha thứ cho ông Minh, nên giờ không thể tin tưởng được nữa. Ảnh: Phan Thân.
Được các con ủng hộ, bà quyết tâm giải thoát cho mình và được TAND TP HCM chấp nhận. Căn nhà bán chia làm ba, ông một phần, bà một phần, số còn lại là của năm người con. “Bán căn nhà đi, tôi tiếc lắm, vì nó là mồ hôi, nước mắt của mình và có không gian sân vườn rộng. Nhưng nếu không làm điều đó thì ông ấy chẳng để yên”, bà nói trong nước mắt.
Cùng với số tiền tiết kiệm, bà mua được căn nhà hiện tại, rộng chỉ hơn 20m2. Suốt mười mấy năm qua, được các con hỗ trợ, người mẹ ấy tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, đi du lịch nhiều nơi, giao lưu với nhiều bạn bè cùng trang lứa. “Cuộc sống hiện tại của tôi vô cùng thoải mái, chẳng suy nghĩ gì cả”, bà Nguyệt cho biết.
Còn ông Minh, sau khi có tiền đã ngay lập tức dọn đến ở hẳn với người tình. Tuy nhiên, chỉ được 5 tháng, cô gái trẻ lấy hết tiền bỏ đi. Buồn chán, ông quay về xin bà tha thứ để vợ chồng sống bên nhau tuổi xế chiều nhưng không được. Vậy là ông tiếp tục sống chung, không đăng ký kết hôn với người phụ nữ ít hơn mình 30 tuổi.
15 năm qua, dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu, hằng ngày ông vẫn phải chạy xe ôm, đi chở hàng thuê kiếm tiền nuôi vợ trẻ, song chẳng được yên. Ông bị cô này sỉ nhục, mắng chửi rồi bị đánh đập. Nhiều lần, ông phải gọi điện cho các con cầu cứu, nhờ nói với bà Nguyệt một tiếng để mình được quay về.
“Phải chứng kiến cảnh mẹ bị ông ấy hành hạ mấy chục năm liền, anh em chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt chịu đựng, vì mình là con. Bây giờ, mẹ đã thoải mái, vui vẻ, chúng tôi không muốn bà khổ thêm nữa”, con trai bà Nguyệt nói.
Cứ tháng hai lần, tìm lúc các con đi vắng, ông Minh lại đến năn nỉ bà Nguyệt tha thứ. “Ông ấy cứ đứng trước cửa, khóc rồi quỳ xuống nói nhiều lắm. Tôi phải đóng hết cửa lại. Nhiều hôm, tôi phải dọa sẽ gọi công an đến ông ấy mới chịu buông tha”, bà Nguyệt kể.
Bà cũng cho biết, thấy ông tuổi đã cao mà phải vất vả mưu sinh nên rất thương. Nhưng nghĩ đến cảnh suốt mấy chục năm làm vợ, phải chịu những trận đòn vô cớ và những lần mình bị phản bội thì không thể mở lòng được. “Biết đâu, đó là màn kịch ông ấy đặt ra để lừa mình. Tôi chỉ muốn sống vui vẻ bên con cháu, hưởng thú vui tuổi già”, bà Nguyệt dứt khoát.
Thẩm phán Lê Thị Hằng, nguyên chánh án TAND quận 4 (TP HCM) cho rằng, hiện nay, chuyện ly hôn giữa những người ở tuổi xế chiều có tỉ lệ tăng lên. Nguyên nhân là do, thời trẻ họ phải chịu những uất ức vì muốn giữ gia đình cho con như trường hợp của bà Nguyệt. Cũng có người muốn chia tay nhưng lại sợ dị nghị của xã hội. Khi về già, họ không còn vướng bận điều gì nên mạnh mẽ đưa ra quyết định.
Vị thẩm phán cũng cho biết, chuyện những người hối hận sau ly hôn như ông Minh cũng không phải hiếm, vì sau khi sống chung với người khác, họ nhận ra, chẳng ai tốt bằng người bạn đời trước của mình. Tuy nhiên, khi họ muốn quay về đều không được chấp nhận. Bởi vì, không ai muốn tiếp tục mặc lại cái áo mà nó rách nát và phai màu.
"Bà Nguyệt đã chịu cả những đau đớn về thể xác và tâm hồn khi sống chung với ông Minh. Vậy nên, chẳng có lý do gì lại chấp nhận quay lại. Tôi nghĩ, quyết định của bà ấy là đúng và quyết đoán", vị thẩm phán nói.
* Tên nhân vật đã thay đổi.