Dân Việt

Giám đốc Công an: Ăn lương do dân đóng thuế, dân yêu cầu là phải làm

Lương Kết 24/05/2018 12:22 GMT+7
Trong phát biểu tranh luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nói: “Chúng ta là công chức nhà nước, nói một cách sòng phẳng đã ăn lương của Nhà nước, tiền đó là do thuế của dân, thì tất cả các yêu cầu của dân chúng ta phải làm, đó là về mặt nguyên tắc”.

img

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An - ảnh VPQH).

Phải tạo điều kiện cho dân tố cáo

Sáng 24.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về dự án Luật tố cáo (sửa đổi).  Góp ý vào dự thảo Luật, một số đại biểu đã đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp hoặc chỉ nên bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử. Không nên mở rộng hình thức tố cáo, nhất là tố cáo qua điện thoại có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm những người tố cáo sai sự thật. Có thể gây quá tải cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng: Cách đây 13 năm, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã có quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. “Đã 13 năm trước Quốc hội đã chấp nhận cái này nhưng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, tại sao chúng ta lại bỏ cái này đi, như vậy không đúng. Tố cáo là quyền Hiến định, chúng ta tạo điều kiện cho người dân tố cáo và có trách nhiệm trả lời đầy đủ”, đại biểu Cầu nói.

Vị đại biểu này lấy ví dụ ông đang ở TP.HCM phát hiện người thân đang bị một ai đó bắt giữ trái phép và yêu cầu đưa một khoản tiền đến. “Tôi không biết cách nào chỉ biết số điện thoại của cơ quan tổ chức đó để cầu cứu, việc như này ở cơ quan công an gọi là tin báo tố giác tội phạm. Trường hợp như thế chúng ta không giải quyết thì vô lý. Nếu bỏ tin báo tố cáo qua điện thoại đi thì sẽ mất đi một thông tin quan trọng”, đại biểu Cầu nói.

img

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre - ảnh VPQH).

Đừng quay về thời kỳ 0.4

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An), Vương Ngọc Hà (Hà Giang) và Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) trong phát biểu tranh luận đều cho rằng không nên mở rộng hình thức tố cáo mà giữ nguyên hai hình thức tố cáo như hiện nay (tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp –PV) “Nếu có tin báo tội phạm, chẳng hạn tin báo về một tội phạm nào đó đang xảy ra thì chúng ta giải quyết bằng còn đường tin báo tội phạm theo trình tự thủ tục tố tụng rất chặt chẽ, nghiêm ngặt chứ không thể theo tố cáo thông thường được.”, đại biểu Nguyễn Duy Hữu nói.

Phát biểu tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói: “Chúng ta là công chức Nhà nước, nói một cách song phẳng đã nhận lương của Nhà nước, tiền đó là do thuế của dân, thì tất cả các yêu cầu của dân thì chúng ta phải làm, đó là về mặt nguyên tắc”.

Đại biểu Cầu cho rằng những bất cập khi tố cáo qua điện thoại không phải như các đại biểu đã nói. Ông lấy ví dụ, một người rất muốn tố cáo qua điện thoại chúng ta ghi lại sau đó gọi lại để kiểm tra xem có đúng hay không, rồi hẹn người tố cáo đúng thời gian, địa điểm để họ cung cấp thông tin. “Tại sao lực lượng cảnh sát 113 hằng ngày nhận được rất nhiều thông tin, nhưng thông tin nào là thông tin chính xác họ lọc được rất nhanh. Chúng ta có công nghệ để lọc, chứ không phải việc tố cáo qua điện thoại khó quá không làm. Trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 có những quy định rất tiến bộ về hình thức tố cáo chúng ta không kế thừa sao lại bỏ đi”, đại biểu Cầu tranh luận.

Cũng phát biểu tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, hiện chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, phải sử dụng phát huy tính năng của điện thoại thông minh “Nếu không chấp nhận tố cáo điện thoại nghĩa là chúng ta quay về thời kỳ 0.4” đại biểu Nhưỡng nói vui và phân tích thêm: Dùng điện thoại gọi tức là tố cáo trực tiếp chứ không phải gián tiếp. 

“Chúng ta đang tiến hành đăng ký lại những người sử dụng điện thoại di động để cố gắng loại bỏ những sim rác nên câu chuyện tố cáo qua điện thoại có thể xử lý được chứ không nên thoái thác rằng đây là vấn đề khó khăn để từ chối”, đại biểu Nhưỡng nói.

Hình thức tố cáo của dự thảo Luật:

1. Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

2. Tố cáo bằng văn bản bao gồm tố cáo bằng bản giấy, bản fax hoặc thư điện tử.

3. Tố cáo bằng lời nói bao gồm tố cáo được trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc tố cáo được trình bày bằng lời nói qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.