Thay vì phát triển hạ tầng, đô thị phải đi trước thị trường thì TP.HCM đang làm ngược lại và hậu quả là thành phố ngày càng ngập nặng vào mùa mưa.
Dân bì bõm lội nước, Sở GTVT nói “tụ nước”?
Cơn mưa đêm 19.5 đã gây ngập hàng chục tuyến đường TP.HCM, người dân bì bõm lội nước về nhà với hàng dài xe chết máy, hư hỏng. Thế nhưng, trong cuộc họp sáng 22.5, số liệu do Trung tâm Điều hành chống ngập nước cung cấp chỉ có 10 điểm ngập, còn lại 22 điểm "tụ nước".
Cụ thể, theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trận mưa lịch sử này chỉ có 10 tuyến ngập chiều sâu từ 0,10m đến 0,25m; thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 30 phút đến 3 giờ, gồm các tuyến: Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương. Cá biệt, các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh thời gian nước rút khoảng 5 giờ sau khi kết thúc mưa.
Do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn nên xuất hiện tình trạng tụ nước trên 22 tuyến đường, thời gian rút nước trung bình sau mưa từ 10 phút đến 20 phút. Gồm các tuyến: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Cao Văn Lầu, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Calmette, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương, Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá.
Dân bì bõm lội nước về nhà trên đường Hồ Học Lãm, nhưng lại nằm trong danh sách tuyến đường "tụ nước".
Ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa, Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết, tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo quy định của Bộ Xây dựng. Theo đó, sau khi dứt mưa khoảng 30 phút, các đơn vị mới đo tại các tuyến đường để thống kê, kiểm đếm các các vị trí ngập hoặc tụ nước. Nếu dứt mưa khoảng 30 phút mà đường còn ngập lớn hơn hoặc bằng 0,1m thì gọi là điểm ngập. Vị trí tụ nước với độ sâu trung bình ≤ 0,1m sau khi dứt mưa 30 phút không được gọi là ngập. Việc đo độ sâu không thể đo tại chỗ trũng được mà phải đo lấy độ sâu trung bình trên một tuyến đường.
Theo ghi nhận của báo chí, sau cơn mưa tối 19.5, toàn thành phố có rất nhiều tuyến đường, điểm ngập sâu khiến người dân khốn khổ lội nước trong đêm nhiều giờ mới về được nhà. Nhưng những tuyến đường này không nằm trong 10 con đường mà Sở GTVT thống kê ngập, mà được kết luận là tụ nước.
Cụ thể, đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) - một trong trong số 22 tuyến đường được xem là tụ nước nhưng hình ảnh đêm 19.5 cho thấy người dân rất khổ sở khi lưu thông qua đoạn đường này. Xe chết máy cứ nối đuôi nhau trên đường, nhiều người bị té ngã vì xe sụp ổ gà.
Đường Sinco ngập gần hết bánh xe nhưng lại không nằm trong danh sách ngập nước hay tụ nước.
Riêng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), đường Sinco (quận Bình Tân) dù nước ngập lênh láng nhưng cũng không hề được liệt kệ trong danh sách điểm ngập hay tụ nước. Trong khi tuyến đường này, báo chí ghi nhận đến hơn 22h đêm người dân vẫn bì bõm lội nước về nhà.
Càng chống càng ngập… vì chạy theo thị trường
Theo TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright, vấn nạn ngập ở các thành phố lớn không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải. Tuy nhiên, có những thành phố giải quyết được vấn nạn ngập do quy hoạch, thiết kế phát triển các đô thị ra tấm ra món từ đầu. Kinh nghiệm từ các đô thị như Hồng Kông, Seoul, Singapore hay Hà Lan… có chiến lược phát triển hạ tầng tính đến tương lai ngập do nước biển dâng hay biến đổi khí hậu. Họ bắt thị trường chạy theo chiến lược phát triển của mình, hạ tầng đi trước, người dân (tức thị trường) theo sau.
“Còn chúng ta, phát triển hạ tầng lại chạy theo thị trường, phát triển đô thị, hạ tầng theo kiểu giật gấu, vá vai. Vì thế, giải quyết vấn nạn ngập là phải có tính chiến lược, phát triển đô thị phải đi trước thị trường, bắt thị trường chạy theo mình chứ không phải ngược lại như hiện nay”, TS Huỳnh Thế Du nói.
Một góc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Còn theo thạc sĩ Lê Văn Thành - nhà nghiên cứu xã hội, thực tế những ngày qua khi mưa lớn thì TP.HCM ngập và ngập trên diện rộng, không thể dùng từ “tụ nước”. Vì, tụ nước là nước chỗ cao tụt xuống hay chảy vào vùng trũng, ở bình diện quốc tế người ta cũng dùng từ ngập nước, ít ai dùng từ “tụ nước”.
TP.HCM nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn nên được gọi là "đô thị ngập triều", do chịu ảnh hưởng của triều cường. Vùng đất thấp chiếm 61% diện tích với gần 7.900km hệ thống kênh rạch chằng chịt là hệ thống thoát nước. Hướng thoát nước chính của thành phố là từ Bắc - Tây Bắc - Đông Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam. Ông Thành cho rằng việc quy hoạch lạc hậu, chạy theo thị trường là một trong những nguyên nhân lớn của vấn nạn ngập hiện nay. Ví dụ như khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nơi chứa nước tự nhiên trước đây thì đã cho xây nhà, đô thị cao tầng ngăn hết lối thoát nói trên. Chưa kể các kênh rạch trong nội ô cũng bị lấn chiếm, san lấp xây nhà, bê tông hóa… khiến nước không còn thấm sâu vào đất được.
Cũng theo ông Thành, về mặt quản lý nhà nước nếu không tính được những chiến lược lớn về phát triển hạ tầng, đô thị; không giải quyết được những vấn nạn xã hội như xả rác, lấp kênh rạch, cống thoát… thì có đổ hàng nghìn tỷ vào chống ngập cũng không giải quyết được vấn nạn ngập.
Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, cần kinh phí 73.379 tỷ đồng. Nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách thành phố, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỷ, còn cần huy động 46.527 tỷ. |