Ngày 24.5, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh đã báo cáo Chính phủ vụ tỉnh sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco.
Theo ông Khanh, trên cơ sở báo cáo của tỉnh, Chính phủ sẽ có kết luận và ra thông báo về vụ việc này. “Bây giờ đang đợi kết luận của Thủ tướng rồi mới thông tin được”- ông Khanh cho hay.
Khi PV đặt câu hỏi rằng thông tin đăng tải trên một số tờ báo về những bất thường trong thương vụ thoái vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang có chính xác hay không, ông Khanh nói hiện tại chưa bình luận được. “Có báo cáo Chính phủ hết rồi, Chính phủ sẽ có kết luận”- ông Khanh nói.
Khách sạn Hương Giang- một trong những khách sạn tọa lạc tại vị trí "vàng" ở cố đô Huế.
Nhiều ngày sau khi đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên- Huế (cơ quan tham mưu thương vụ trên) nhưng không nhận được kết quả, ngày 24.5, PV liên lạc với Chánh Văn phòng sở này là ông Trương Phước Tuấn. Ông Tuấn nói rằng vụ việc này đã được tỉnh báo cáo cho Chính phủ và đang chờ Chính phủ có kết luận nên chưa thể cung cấp thông tin.
“Làm sao trả lời dễ dàng, cái này của tỉnh, muốn trả lời phải xin phép tỉnh… Cái gì rõ rồi mới trả lời được, anh thông cảm cho, chưa rõ thì kể cả cơ quan tham mưu không dám trả lời…”- ông Tuấn nói.
Thời gian qua một số tờ báo đăng tải thông tin về những lùm xùm xung quanh việc UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco.
Theo thông tin trên một số tờ báo này, vào năm 2016, Tập đoàn Bitexco và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ký kết chuyển nhượng 12,572 triệu cổ phần, tương đương 62,86% phần vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang. Bitexco qua đó nâng tỷ lệ sở hữu phần vốn tại Công ty Du lịch Hương Giang từ 7,62% lên 70,48%.
Điều đáng chú ý, theo những tờ báo này, tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, cuối cùng mới bán thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
Khi sang tay hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế không thực hiện đấu giá theo quy định. Đặc biệt, mức giá của thương vụ được cho là “nhẹ nhàng”, tính theo mệnh giá ước khoảng 126 tỷ đồng. Đổi lại, với tỷ lệ cổ phần chi phối, Bitexco sở hữu luôn một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế như Hương Giang Resort & Spa, Sài Gòn Morin, Laresidence, Citadel cùng nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.
Điều khiến dư luận ở Huế hoài nghi khác là việc Công ty Du lịch Hương Giang kinh doanh đi xuống đúng vào giai đoạn thoái vốn nhà nước, trong khi doanh nghiệp này sở hữu chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng sang có vị trí 'vàng' ở vùng đất cố đô. Mặt khác, năm 2017, chỉ sau thời gian ngắn UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế thoái vốn, Công ty Du lịch Hương Giang bất ngờ đặt kế hoạch doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2016…