Dân Việt

Bí quyết gỡ khó và xây dựng xã NTM kiểu mẫu của huyện Lập Thạch

Việt Tùng 25/05/2018 14:33 GMT+7
Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có 18 xã thì hiện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 7 xã đạt 19/19 tiêu chí, còn 1 xã đạt 14/19 tiêu chí. Tuy nhiên, chính các xã điểm cũng đang gặp khó. Lập Thạch đã và đang làm gì để gỡ khó cho các xã điểm và phấn đấu có xã NTM kiểu mẫu?

Xã điểm vượt khó

Năm 2011 xã Tử Du được chọn là 1 trong 3 xã điểm xây dựng NTM của huyện Lập Thạch. Mặc dù được chọn là xã điểm song Tử Du còn rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Thiệp – Chủ tịch UBND xã Tử Du cho biết, Tử Du là xã miền núi của huyện Lập Thạch, có diện tích đất tự nhiên 987,46ha, nằm ở phía Đông Nam huyện, tiếp giáp 7 xã và 1 thị trấn, gần trung tâm huyện lỵ.

Xã có 2.032 hộ, với 6.920 khẩu, hầu hết là sản xuất nông nghiệp, ruộng đất manh mún, bạc màu, năng suất cây trồng thấp, đời sống nhân dân bấp bênh, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế…

img

Làm đường giao thông nông thôn tại xã Triệu Đề (Lập Thạch, Vĩnh Phúc).  Ảnh: V.T

Về sản xuất nông nghiệp, Lập Thạch đã và đang tập trung chỉ đạo các xã thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với nhiều chính sách như hỗ trợ người chăn nuôi mua giống vật nuôi; hỗ trợ mua máy móc như máy lên luống, máy gặt đập liên hợp; hỗ trợ phát triển cây vụ đông hàng năm…

“Với xuất phát điểm như vậy, để xây dựng thành công NTM ở Tử Du cần có sự thống nhất, đồng thuận cao của nhân dân. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn của nhân dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và địa phương. Xác định rõ sự hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng, nhưng không có sự đóng góp của nhân dân thì vô nghĩa, sau 7 năm xây dựng NTM, Tử Du đã có sự phấn đấu, nỗ lực vượt trên cả sức mình để đạt được kết quả ngoài mong đợi” – ông Thiệp cho biết.

Từ một xã mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, đến nay xã Tử Du đã đạt 18/19 tiêu chí. Riêng tiêu chí chợ tạm thời chưa thực hiện, vì nếu thực hiện sẽ chưa hiệu quả. Có thể coi Tử Du đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Trong số đó, có tiêu chí hoàn thành xuất sắc như giao thông. Cụ thể, địa phương đã cứng hóa 100% đường trục xã (9,1km), đường liên thôn cứng hóa 9,6/14,1km. Về giao thông nội đồng, cứng hóa 5,383/9,5km. Bên cạnh đó, người dân đã hiến 34.243m2 đất để làm đường và 516 ngày công. Nếu năm 2011, Tử Du có 256 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 16,03% thì sau 7 năm xây dựng NTM, đến nay xã còn 82 hộ nghèo, chiếm 3,9%. Số người tham gia BHYT là 4.964/6774 người, chiếm 73,2%...

Phấn đấu có xã điểm NTM

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Lập Thạch, hiện huyện còn 1 xã đạt 14/19 tiêu chí. Hai xã Văn Quán và Liễn Sơn sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018. Huyện Lập Thạch phấn đấu sẽ trả hết nợ xây dựng cơ bản NTM để được công nhận thêm 6 xã chuẩn, ngoài ra sẽ phấn đấu để có 2 xã đạt NTM kiểu mẫu…

Để đạt được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua như “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, đến tất cả cấp ủy, chi bộ Đảng. Ngoài ra, huyện thường xuyên duy trì phong trào thi đua “Lập Thạch chung sức xây dựng NTM”. Nhờ thế, bộ mặt nông thôn Lập Thạch đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao. Thu nhập đầu người tăng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Xác định giao thông là huyết mạch, là động lực kéo theo sự phát triển của các thành phần kinh tế khác, Lập Thạch đã tập trung giải quyết các vấn đề giao thông. Năm 2017, các xã được phân bổ nguồn vốn tập trung để xây dựng công trình chuyển tiếp, trả nợ các công trình giao thông đã hoàn thành, làm mới hàng chục km đường giao thông.

Riêng xã Liễn Sơn đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, được phân bổ nguồn vốn để cứng hóa 13,6km đường trục xã, đến nay đã cứng hóa được 13,6km, đạt 100%. Đường trục chính nội đồng được phân bổ cứng hóa 4,3km, triển khai đạt 100%. Có 512 hộ hiến 25.350m2 đất, trị giá 1,25 tỷ đồng, đóng góp 5.340 ngày công lao động, trị giá hơn 800 triệu đồng…

Công tác y tế cơ sở được huyện chú trọng. Theo đó hiện có 1 trung tâm y tế huyện, 18 trạm y tế xã, cùng với mạng lưới nhân viên y tế ở thôn, tổ dân phố. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 85,7%. Huyện cũng đã có nhiều xã, HTX đang đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ như thanh long ruột đỏ tại 3 xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ; nuôi bò sữa ở Thái Hòa, Liên Hòa, chanh tứ quý ở Liễn Sơn…