Dân Việt

Tháo “nút thắt” hạn điền và quyền sở hữu

27/10/2010 10:57 GMT+7
(Dân Việt) - Quốc hội đang nghiên cứu sửa Luật Đất đai. Nhiều người và nhiều cuộc hội thảo, góp ý, với nhiều quan điểm, khía cạnh khác nhau.

Tựu trung là nên áp dụng chế độ đa sở hữu, sở hữu không thời hạn và hạn điền chỉ áp dụng cho trường hợp chính quyền cấp đất lần đầu không thu tiền đối với đất làm nông nghiệp cho nông dân và tối đa chỉ 3ha mà thôi.

Đức Thánh Trần Hưng Đạo nói: "Có người đất mới linh". Tổ tiên ta từ xa xưa đã nói "Dân là gốc, là chủ của của đất nước". Vua Quang Trung nói với tướng sĩ, thần dân trước lúc ra quân đánh giặc xâm lược Mãn Thanh: "Đánh cho chúng biết sơn hà tri hữu chủ".

img
Nông dân phải được giao là chủ sở hữu và sở hữu lâu dài đất nông nghiệp để yên tâm đầu tư, sản xuất.

Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ ta là của dân, do dân và vì dân”. Đại hội VI - 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: "Lấy dân làm gốc". Chuẩn bị Đại hội XI, người viết có lần đã nêu quan điểm "Từ đổi mới đến đổi thay" và đề nghị "Dân là trung tâm".

Từ những căn cứ ấy, dân là chủ của đất, là gốc dựa của Chính phủ. Chính phủ chỉ là đại diện cho tất cả dân chúng thực thi quyền quản lý đất nước, kể cả nghĩa đen của từ đất và nước. Vậy dân là gốc chứ không phải đất là gốc.

Và, dân là chủ đất, nhà nước chỉ là người đại diện dân quản lý đất theo luật pháp chứ không làm chủ thay cho dân trên từng thửa đất cụ thể. Đã từng một thời trên thực tế, nhà nước có quyền sở hữu đất đai cả nước và sở hữu, sử dụng cụ thể trên từng thửa ruộng, dân phải sản xuất theo lệnh của chính quyền và hợp tác xã thì đất trở thành "vô chủ", đồng ruộng tiêu điều, dân đói khổ mà phim "Bí thư Tỉnh uỷ" đang chiếu trên VTV1 trong "giờ vàng" là lịch sử được "thời sự hâm nóng".

Dân tạo lập ra đất trước khi có nhà và có vườn - ruộng, trước cả khi có Nước (Tổ quốc). Vậy mà dân chỉ có quyền sử dụng cái phần phụ là nhà và vườn - ruộng (lúa khoai…).

Từ sau “Đổi mới” đến nay, dân tuy không hài lòng với khái niệm quyền sử dụng đất là vì từ chỗ không có quyền gì hết, nay có quyền tự chủ sản xuất, tức quyền ở cấp hai, vẫn tốt hơn trước chỉ có quyền làm để được chấm công tính điểm là quyền ở cấp ba (cấp không quyền), nên đổi mới điều này thì sản xuất mới phát triển.

Còn hạn điền 3ha quy định cho cả đất mua bán thì dân lách luật bằng cách nhờ người đứng tên dùm. Cái này trái với chủ trương của Đảng là tích tụ, tập trung đất để lên sản xuất lớn và cũng là mầm mống bất an trong xã hội vì "lật lọng", kiện tụng nhau trong dân.

 Dân là gốc, vì có dân mới có đất. Đất không thể là cái gốc của chế độ. Dân là chủ của đất và Nước chứ không phải người đại diện bỗng trở thành chủ nếu không có được sự uỷ quyền của dân thông qua trưng cầu dân ý, phúc quyết Hiến pháp. "Nút thắt" của cái hạn điền và quyền sở hữu hay quyền sử dụng là ở chỗ này.

Bởi luật hạn điền làm cho người ta bệnh (tật?) nói dối kinh niên: Dân dối chính quyền kê khai quyền sử dụng và nhận quyền sử dụng.

Người có chủ quyền và người đứng tên làm chủ quyền dùm cũng là nói dối vui vẻ với nhau - khi chưa nổi máu tham đoạt của người. Chính quyền thống kê đất đai xem ai có đất, đất nhiều ít thì cũng là thống kê giả (không chính xác)!.

Đó là chưa nói quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm (lúa) chỉ có hạn 20 năm. Trong khi quyền công ty, kể cả nước ngoài thuê đất trên 50 năm, quyền sử dụng đất ở thì không có thời hạn là sao?

Ta nay công nhận chủ trang trại A có cả trăm hec-ta, nhưng xem giấy tờ thì đất tên ông B, chị C hay là đất "thuê" của bà D. Nhưng quan trọng hơn là tâm lý bất an làm sao ổn định sản xuất?

Vậy ngày nào còn chính quyền- nhà nước thì luật quy định hạn điền, hạn sử dụng và quyền sử dụng đất (cho dù lâu dài chớ không phải quyền sở hữu) là thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Nó đã và đang làm trầm trọng thêm sự bất an trong mối quan hệ gia đình, tình làng xóm vốn có từ bao đời nay chỉ vì những bất cập của luật mà người ta không dám cho mượn đất sản xuất, không cho nhập hộ khẩu vào nhà ở đậu như đã từng có. Nó là kẽ hở cho nạn tham nhũng mà không có cách nào khắc phục.

Đã biết là vậy nhưng sao khó sửa Luật Đất đai theo tinh thần ấy. Cái gốc của vấn đề là ta sắp phương trình để giải bài toán bị lỗi khi đặt sai vị trí của các chữ số. Quyền sở hữu toàn dân đối với các tư liệu sản xuất (trong đó có đất chứ không phải duy nhất), chỉ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh - theo lý thuyết.

Nhưng ta đang ở thời kỳ đầu của CNXH chứ chưa kết thúc để quá độ lên CNCS mà cựu Thủ tướng Liên Xô (cũ) Chéc- nô-mức- đin nói thời gian đó là "một ngàn năm", còn Đặng Tiểu Bình thì nói "ở Trung Quốc phải 100 năm". Vậy, từ tình cảm cách mạng trong sáng, vì nôn nóng ta lại thiếu tính khoa học trong đường lối.

Cái còn lâu mới có, ta nói đã có rồi nên có nhiều thứ ta tìm không thấy có, hoặc làm không được để mà có. Đại hội VI của Đảng dũng cảm nhận sai về đường lối cải tạo XHCN của Đại hội IV và Đại hội V mà trước cứ cho là chỉ "sai ở khâu tổ chức thực hiện" nên mới có chủ trương "Đổi mới" và lãnh đạo đổi mới thành công như hôm nay.

Cách mạng suy cho cùng là giải quyết các mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Đường lối, quan điểm không thể không thay đổi để thúc đẩy cách mạng đi lên. "Đổi mới" 25 năm, thời gian tự nó nói lên đã có nhiều biến đổi trong phát triển cần phải "đổi thay". Chính vì vậy mà Đảng đang có chủ trương sửa cương lĩnh của Đảng tại Đại hội XI tới đây và sửa Hiến pháp cho phù hợp với tình hình đất nước đang phát triển và hội nhập quốc tế.

Nhưng do chưa dứt khoát và nhập nhằng với cái nào phải "đổi mới", cái nào phải "đổi thay" nên những cái gọi là "bất cập" vẫn còn nhiều, ví như trong quản lý nhà nước vừa tập trung vừa phân tán, vai trò nhà nước là nhạc trưởng không rõ, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu không rõ như hiện nay, vì vậy cải cách hành chính ì ạch, hiệu quả không rõ ràng, tham nhũng tràn lan, ngăn hoài mà không chặn được.

Ngay như cái "định hướng XHCN" ta giải thích còn chưa thuyết phục, thậm chí có người còn nói ta đang thời kỳ chủ nghĩa tư bản tích luỹ nguyên thuỷ...

Trở lại chủ đề nói quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai của nông dân, có câu chuyện ở Cannada, Úc… làm ta suy nghĩ: Nữ hoàng Anh về danh nghĩa là quốc trưởng, sở hữu chủ của nước này. Vậy mà mấy lần trưng cầu ý dân tách ra khỏi ảnh hưởng nước Anh để thành nước cộng hoà mà dân chưa chịu. Bởi đây là tâm lý tình cảm xã hội của cả một cộng đồng có lịch sử riêng của nó.

Nhưng cái chính là dù cho danh nghĩa những nước ấy là sở hữu của Nữ hoàng Anh, nhưng thực trạng là nước đa sở hữu về đất đai: Sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu cộng đồng (thổ dân), kể cả Nữ hoàng nếu có đất riêng thì cũng là sở hữu tư nhân của bà chứ không lấn cấn với cái quyền của bà đại diện sở hữu cả quốc gia ấy.