Dân Việt

Lạ đời

26/01/2013 10:55 GMT+7
(Dân Việt) - Sự lãnh cảm của các cơ quan chức năng ở câu chuyện mỗi ngày thương lái Trung Quốc vào Việt Nam mua thêm một thứ lạ đời đặt ra câu hỏi: Chính sách bảo vệ nông nghiệp, nông thôn của Đảng, Nhà nước đang được thực thi như thế nào?

Ai cũng hiểu một nguyên tắc sơ đẳng trong cạnh tranh kinh tế, nhất là ở phạm vi giữa các quốc gia với nhau, rằng không thể có cạnh tranh lành mạnh tuyệt đối. Tìm điểm yếu của đối thủ, kể cả đối tác, để đạt lợi ích vượt trội cho mình là việc quốc gia nào, doanh nghiệp nào cũng áp dụng.

Người Việt nào cũng hiểu nằm cạnh Trung Quốc là một định mệnh trớ trêu tạo hóa sắp đặt cho Việt Nam. Thời buổi làm ăn kinh tế, sống bên nước láng giềng khổng lồ nhất nhưng từ bà nông dân đến ông bộ trưởng nước ta phải đối mặt với câu hỏi liên quan đến chuyện tưởng như là vụn: Người Trung Quốc mua đỉa, mua rễ cây sim để làm gì ? Chúng ta coi đó là ba chuyện vặt vãnh, nhưng liệu người Trung Quốc, nước Trung Hoa có làm việc đó xuất phát từ tư duy của câu chuyện vụn vặt ? Cả hai khía cạnh này, chúng ta đều chưa đặt ra một cách nghiêm túc.

Thời gian bắt đầu cũng như danh mục các thứ lạ đời mà người Trung Quốc sang Việt Nam thu mua đã kéo rất dài. Chuyện mua móng, sừng trâu bò diễn ra ngay sau khi Việt Nam - Trung Quốc nối lại quan hệ bị gián đoạn bởi chiến tranh biên giới. Trong khi người Việt Nam, cả dân thường lẫn quan chức, cứ thụ động ngồi hỏi nhau họ mua mấy thứ đó để làm gì nhỉ mà không tìm hiểu cho rõ ngọn ngành, không tìm cách bảo vệ đàn trâu bò bị rút móng, chặt sừng... thì thương lái Trung Quốc lại âm thầm nối dài danh mục các thứ “lạ đời”. Từ ốc bươu vàng, gỗ sưa đến dứa, dừa non; từ phân trâu đến đuôi trâu; từ rễ sim đến hoa ngâu, lá cây phong ba; từ hạt chè đến xơ dừa. Và mới đây, con đỉa với giá gần triệu đồng 1kg làm náo loạn các vùng quê từ Nam chí Bắc. Nếu gọi là có lợi, giỏi lắm chỉ một vài nông dân tranh thủ kiếm được vài triệu nhưng hệ lụy mà kiểu thu mua này mang lại là khôn lường. Có những thứ không còn giới hạn ở hậu quả kinh tế một số hộ nông dân gánh chịu nữa mà có dấu hiệu phá hoại ở tầm quốc gia. Ví dụ như việc họ mua số lượng lớn cây phong ba ở các tỉnh miền Trung khiến nhiều ngư dân bỏ việc đánh bắt hải sản để đến các đảo chặt hạ loại cây được coi là lá phổi của biển đảo này. Hoặc như một khi người dân miền núi cao ào ào đi đào rễ sim thì khoảng cách từ xói mòn đất đến lũ quét chỉ là gang tấc...

Chuyện người Trung Quốc mua các thứ lạ đời râm ran từng ngõ nhỏ làng quê Việt Nam, tràn ngập các trang báo, cất lên ở cả Quốc hội, từng có trong bài giảng của các giảng viên, trong phát biểu của nhà khoa học nào đó. Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở dạng câu hỏi: Họ mua làm gì nhỉ?

Tìm hiểu cho bằng được thương lái Trung Quốc thu mua những thứ lạ đời để làm gì là việc phải làm vì lợi ích quốc gia. Nếu họ mua thuần túy để sử dụng mà ta có lợi thì ta có kế hoạch hợp tác đàng hoàng, còn nếu vì mục đích khác bất lợi cho Việt Nam thì phải có đối sách. Không làm được việc này thì chuyện lạ đời thuộc về người Việt Nam chứ không dành cho các thương lái Trung Quốc.