Bán mặt cho nắng
Đang loay hoay trên con phố Quán Thánh (Ba Đình, Hà Nội) tìm nơi gửi xe trước khi vào một cơ quan hành chính, từ bên kia đường, tôi nghe thấy tiếng gọi “Em ơi, qua đây làm cốc nước, để xe đây chị trông luôn cho”.
Người vừa gọi tên tôi là chị Hiền có thâm niên bán trà đá vỉa hè gần 20 năm trên con phố này. Chị Hiền mời khách có duyên, đon đả nên lúc nào cũng đông khách đến uống trà đá.
Quán trà đá Hà Nội đắt khách ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Minh Nguyệt
Thông thường những quán trà đá vỉa hè thường đặt ở nơi đông người qua lại như quán ăn, bến xe, trường học… Giá trà đá vỉa hè ở Hà Nội hiện nay phổ biến ở mức 2.000 – 3.000 đồng/cốc, một vài quán đắt hơn thì 5.000 đồng/cốc. Nhiều người cho biết, thu nhập không nhiều nhặn gì, tháng nào tốt thì được 7-8 triệu, tháng nào chán thì chỉ được 4-5 triệu đồng mà cực nhọc, suốt ngày chịu cảnh nắng nóng, bụi bẩn. |
Trời nóng, trà đá hoa nhài vừa mát lại vừa thơm. Chị Hiền tâm sự, chị từng trải qua nhiều nghề khác nhau, lúc bán quần áo, lúc bán quán ăn, nhưng rồi hai chục năm trở lại đây chị chuyển nghề sang bán nước vỉa hè. Chị Hiền cho biết: “Vào những năm 2000, Hà Nội bỗng rộ lên kiểu trà đá chém gió. Lúc ấy rất nhiều người đua nhau mở quán trà đá vỉa hè, vừa bán trà đá, bán nước và đồ ăn vặt. Bán trà đá, trà chanh là nghề “một vốn bốn lời”, nếu chịu khó, mỗi tháng, người bán trà đá có thể kiếm hơn chục triệu đồng”.
Nhưng phong trào trà đá vỉa hè của người Hà Nội cũng hưng thịnh được 3-4 năm thì dừng lại. Nhất là sau mỗi đợt Hà Nội tổ chức dẹp vỉa hè, truy quét hàng rong, mấy năm đó, chị Hiền khổ sở vì phải bê ghế chạy vòng quanh.
Mặc dù vậy, chị Hiền vẫn bám trụ với quán trà đá vỉa hè gần 20 năm. Có lẽ đây là nghề mà chị làm lâu nhất từ trước tới giờ. “Công việc của các chị không giống các em, tự do nhưng em thấy đấy, trời nắng nóng thế này, có che dù, ngồi gốc cây thì vẫn nắng cháy da cháy thịt. Có hôm nóng quá, nóng từ đường nhựa bốc lên cảm giác như ngồi trên đống lửa. Mặc đủ các kiểu áo chống nắng, quạt điện, quạt tay liên tục mà vẫn không hết nóng. Ngồi cả ngày phơi mặt ngoài đường nên tối là là đầu chị đau nhức, cơ thể mỏi nhừ” – chị Hiền kể.
Chia sẻ về công việc, chị Hiền cho biết, mùa đông cũng như mùa hè, ngày nào hàng trà đá của chị cũng đông khách. Mùa đông bán trà nóng, mùa hè bán trà đá, nhưng mùa hè đông khách hơn hẳn. Ngày nào ít khách thì được 100-150 cốc, ngày nào nắng nóng, khách nhiều bán được 300-400 cốc. “Vài nghìn đồng cốc nước, với vài cái kẹo, gói hạt hướng dương, nhưng chịu khó tích cóp “năng nhặt cũng chặt bị”. Hai vợ chồng chị chỉ bán trà đá mà nuôi được hai con ăn học đại học, giờ thành đạt hết rồi”- chị Hiền chia sẻ.
Nói rồi chị Hiền chỉ tay khoe: “Thằng lớn nhà chị tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, đi làm cho công ty nước ngoài tháng hơn 30 triệu, nhưng thích kinh doanh nên mới mở quán cà phê bên đường đó. Trông hoành tráng vậy thôi, nhưng tiền thuê quán, tiền thuê nhân viên… trừ hết các loại thì tính ra lãi lời không bằng tiệm trà đá vỉa hè này của chị”.
Sắp đến trưa, hàng trà đá của chị Hiền càng đông người ghé qua. Đa phần đều là dân lao động, xe ôm, người ship hàng hay dân văn phòng cạnh đấy.
Phía sau những đồng tiền lẻ
Phía sau những đồng tiền lẻ, tưởng chừng khá dễ kiếm là những nỗi buồn, sự vất vả đến cùng cực của cuộc sống mưu sinh. Phạm Linh Đan (23 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An) từng tốt nghiệp CĐ khoa kế toán, nay mở tiệm bán trà đá cạnh sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) cho hay, giờ tìm việc khó khăn, ban ngày cô chạy xe Grabike, tối đến cùng bạn trai mở quán vỉa hè, bán trà đá. Nói là quán trà đá vỉa hè, nhưng quán của Linh Đan không cố định, mỗi ngày 1 góc, chạy vòng quanh khắp nơi. Đồ đạc của quán trà đá chỉ là 8 chiếc ghế ngựa bé, cùng với một cái phích nước, vài cái cốc, vài gói hạt hướng dương với túi hoa quả và mấy tấm chiếu cói mỏng được gấp lại cho vào thùng cát tông. Buổi tối, hai bạn trẻ ra đường, thấy chỗ nào mát mẻ, đông người qua lại thì “cắm quán”.
Chia sẻ về lý do không đầu tư cơ sở để bán hàng, Linh Đan cho biết: “Ở đây làm ăn khó khăn, công an đi dẹp liên tục thế nên càng ít đồ càng dễ chạy. Có lần họ tới đuổi, khách ngồi không chạy kịp thế là mất toi cả vốn lẫn lãi, mất thêm cả mấy cái ghế và cốc”. Tính ra, tối nào khá khẩm thì đôi bạn trẻ cũng kiếm được 100.000 -200.000 đồng, ngày nào mưa gió, hay bị công an xua đuổi thì coi như không thu lợi gì. Biết vậy, nhưng với Linh Đan, nghề nào cũng có cái vui và thú vị riêng của nó.
“So với những công việc khác, nghề bán trà đá vỉa hè có thú vui riêng. Trời nắng nóng, được ngồi hóng mát ở sân vận động lộng gió, được uống nước mát, lại có tiền. Nghĩ xem có mấy công việc thú vị được vậy, vừa được ăn, được chơi, lại có tiền” – Linh Đan cười cho hay.
Thú vị là vậy, nhưng không phải ai cũng mong muốn gắn bó với nghề này. Chị Thương, có quán trà đá vỉa hè trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Nghĩ chẳng còn việc nào để làm thì mới bán trà đá vỉa hè thôi chứ vui vẻ gì cái nghề phơi mặt ngoài đường thế này em. Thu nhập không nhiều nhặn gì, tháng nào tốt thì được 7-8 triệu, tháng nào chán thì chỉ được 4-5 triệu đồng mà cực nhọc, suốt ngày chịu cảnh nắng nóng, bụi bẩn. Da lúc nào cũng đen sạm”.