Gần đây, giải cứu nông sản không còn là chuyện lạ, một khi nông dân gặp ế thì lại có người kêu gọi chung tay, mỗi người mua một ít để "giải cứu" giúp người nông dân vượt qua khó khăn.
Sáng 25.5, khi biết câu chuyện của 2 lái xe chở sầu riêng thuê từ Tiền Giang lên cửa khẩu Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc nhưng bị trả lại hàng vì trong quá trình vận chuyển xe bị hỏng giàn lạnh làm cho sầu chín sớm, không đạt chất lượng. lập tức, nhiều người dân đã "đội nắng" đến Ngọc Thuỵ (Gia Lâm) để mua sầu riêng ế. Kết quả, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, toàn bộ 17 tấn sầu riêng đã được mua hết sạch.
Thế nhưng, ngay sau đó, trên mạng xã hội đang nổ ra cuộc tranh luận về chất lượng, nguồn gốc của 17 tấn sầu riêng này. Từ đó, tranh cãi về lòng tốt bị lợi dụng đã được đặt ra
Ngỡ ngàng chất lượng sầu riêng
Sáng 25.5, ngồi ở cơ quan, chị Minh Thu nhờ chị họ chạy ra điểm bán ở Ngọc Thụy (Long Biên) mua hộ sầu.Chị Thu kể lại, “chen bẹp ruột" mới mua được một thùng sầu, hết 870.000 đồng. Mang về, sau khi bổ thử 2 -3 quả thì người chị nhắn tin: “Sầu riêng cứ sai sai làm sao ấy”.
Chiều về, chị Minh Thu kiểm tra thì thấy có mùi khác lạ so với sầu chị hay mua, ship thẳng từ Sài Gòn ra. Vỏ ngoài lại vàng ruộm chứ không xanh hay chỉ hơi ánh vàng như sầu thường. Bổ thử 1 quả, chị thấy cơm sầu chưa chín, ăn thử thấy sượng, xung quanh có hơi nước như bị hấp hơi. Chị nhận thấy, sầu non, múi lỏng chứ không gắn chặt với vỏ như thường.Chị không dám ăn, đóng hộp để đấy chờ 1-2 hôm nữa xem sao.
Chị Minh Thu bổ một quả sầu riêng mua giải cứu thì bị như trên. (Ảnh N.T)
Tuy nhiên, sau đó trao đổi với một chị bạn đồng nghiệp, chị Thu được biết hàng xóm nhà chị đồng nghiệp cũng vừa phải vứt cả thùng sầu riêng tranh mua được đi vì không thể ăn nổi.Cả chiều và tối 25.5, trên các diễn đàn, nhiều người cũng kêu ca về chất lượng sầu riêng mua từ chiếc xe container được cho là bị phía chủ hàng từ chối. Có người còn livestream cho thấy màu sắc, múi sầu không ngon như thế nào. “Bổ ra có nước, màu cứ đục đục kiểu gì ý”, “Bổ ra cứng đơ không ăn nổi”.
Độc giả Nguyen Huu Dong phản ánh: “Tôi là một độc giả cũng là người bị lừa khi mua sầu riêng giải cứu. Tôi thấy khá bất bình về vấn đề này khi lòng thương đã bị lợi dụng.
Sầu riêng Tiền Giang sau khi thu hái, gần như đến 90% họ đều phải nhúng thuốc, bởi đặc tính của loại quả này không cho ra thời điểm chín, đạt chất lượng thương phẩm một cách đồng loạt, các nhà vườn không bán lẻ mà bằng hình thức bán ra cả vườn cả vựa. Thế là cả già, ương, xanh non họ đều thu hái một cách toàn bộ, quả chín lọc ra phục vụ cho nhu cầu bán lẻ. Quả ương, xanh non họ nhúng vào hoá chất có tác dụng kích chín để tuồn ra ngoài thị trường.
Sầu riêng mua giải cứu có màu vàng khác lạ. (Ảnh Facebook)
Độc giả này cho hay, một chuyến container sầu có trị giá đến hơn 1 tỷ đồng, vận chuyển trên quãng đường từ miền Tây ra đến cửa khẩu phía Bắc hết 3-4 ngày. Các xe công khi có sự cố, nhất là đang chuyên chở những mặt hàng đặc dụng phải yêu cầu bảo quản lạnh, họ đều có cho mình sự tính toán, dự phòng các phương án xảy ra trong suốt quá trình vận chuyển.
Độc giả Nguyen Huu Dong không tin sầu mang thương hiệu Việt Nam lại đóng thùng và có tem mác với toàn bộ là chữ và kiểu cách của Trung; không tin khi chạy xe đến Huế để xảy ra sự cố về quá trình làm lạnh, lái xe lại có thể làm liều mà tiếp tục cho điều khiển phương tiện ra Bắc để trung chuyển toàn bộ số hàng sang một chiếc xe khác, quãng đường quá xa quá nóng với nhiệt độ cao. Họ hoàn toàn có thể làm điều này tại Huế hoặc các tỉnh thành lân cận, bởi giá trị hàng hoá rất lớn như thế, lại rất nhanh hỏng do bị sốc nhiệt nếu như không đảm bảo đúng yêu cầu kĩ thuật.
Chưa kể, trong những tình thế như vậy nếu đúng là sự thật, thì chủ hàng và phía bên vận tải đều phải có sự phân chia trách nhiệm cũng như hợp tác để khắc phục. Đến khi sầu đã có dấu hiệu kém chất lượng, vẫn chưa thấy chủ vựa nào lên tiếng cầu cứu, mà chỉ thấy lái xe đứng ra đảm nhận toàn bộ.
Sầu khi đạt chất lượng hái còn xanh, già, trong nhiệt độ ngoài trời , 28- 34 độ C, phải để 3-5 ngày mới có thể chín và cho mùi thơm. Vậy đi đến Huế mới xảy ra hiện tượng hỏng thiết bị làm lạnh, lái tiếp ra Bắc Giang mất nửa ngày, nhiệt độ trong công là hơn 30 độ. Liệu sầu có thể chín nhanh được như thế hay không.
“Ai là dân buôn sầu chính hiệu, nếu đã từng đặt chân vào tận vựa miền Tây sẽ hiểu rõ điều này. Thương lái Trung Quốc họ thu mua hoàn toàn những quả mang chất lượng loại 1 và nghiêm cấm người dân nhúng thuốc. Họ sợ đi đường sẽ nhanh bị chín, ảnh hưởng đến chất lượng. Vậy sầu để trong ngưỡng nhiệt độ thường với khoảng thời gian trên dưới 10 tiếng, thì liệu có thể vàng, thối cuống như vậy được hay không”, ông nghi ngờ.
Trái ngược với những phản ánh về chất lượng sầu riêng không ngon, Facebook Nguyễn Linh Trang chia sẻ: "60.000 đồng/kg sầu mà ăn thế này cũng được rồi ạ. Sầu ngọt chứ không sượng, chắc số em may".
Tương tự, chị Phan Thị Trang ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết, chị mua một thùng sầu riêng giải cứu, về bổ ra quả sầu riêng đầu đúng là ăn hơi sượng, nhưng 2 quả sau ăn ngọt, khá ổn.
"Mình đi mua sầu ở siêu thị, ở chợ hơn 100.000 đồng/kg mà còn có hôm phải quả sượng, quả lép huống hồ cả xe sầu 17 tấn hàng thì cũng phải có quả này quả kia, làm sao đều được như nhau. Giá sầu này so với giá bán lẻ ở chợ cũng là rẻ rồi", chị Trang nói.
Tuy nhiên, số ít người khen ngợi sầu ngon so với mức giá đó.
Lái xe có kiếm luôn chủ hàng?
Bên cạnh về chất lượng sầu khiến nhiều người tranh cãi, trên mạng xã hội cũng có người đặt ra nghi vấn rằng lái xe chính là chủ hàng của lô sầu này chứ không phải chỉ đơn giản là mỗi nhiệm vụ chở thuê không. Liệu có phải khi, sầu chở lên cửa khẩu là vì chủ hàng Trung Quốc phát hiện nhúng thuốc quá liều chứ không phải là do trên đường vận chuyển điều hoà trên xe bị hỏng dẫn đến sầu bị trả lại.
Trao đổi với P, đại diện Công ty TNHH TMDV A Hung ở Đa Kim (Đa Mi, Bình Thuần) - đơn vị xuất 17 tấn sầu riêng khẳng định, 17 tấn sầu riêng của 2 lái xe gặp sự cố, xả bán ở Hà Nội ngày 25.5 là hàng công ty mình xuất bán.
Vị đại diện này cho biết, sầu riêng có được công ty A Hung thu mua của các nhà vườn ở Tiền Giang rồi vận chuyển về Bình Thuận. Sau đó, công ty có xuất bán cho người Trung Quốc với giá 60.000 đồng/kg, lô hàng là 17 tấn (khoảng hơn 900 thùng) có giá trị lên tới hơn 800 triệu đồng. Công ty A Hung sau khi xuất bán xong thì không có trách nhiệm gì với lô sầu riêng này cả. Việc vận chuyển lô sầu lên cửa khẩu do người Trung Quốc tự thuê một đơn vị vận tải khác.
Các ý kiến chê tơi tả về chất lượng và nghi ngờ về nguồn gốc số sầu được giải cứu.
"Hai người tài xế chỉ là người chở thuê cho công ty chứ không phải vừa là tài xế vừa là chủ lô hàng 17 tấn sầu riêng như mọi người nói". Vị đại diện này cho hay, xe vận chuyển lô 17 tấn sầu riêng là xe lạnh, trên xe đều có gắn thẻ chíp để theo dõi nhiệt độ. Các công ty giao vận tải thường yêu cầu lái xe phải theo dõi nhiệt độ, và nếu có sự cố gì về nhiệt độ thì lái xe phải chịu trách nhiệm cho hàng hoá trên xe.
Thế nên, trong quá trình vận chuyển sầu riêng lên cửa khẩu Lạng Sơn, điều hoà trên xe bị hỏng dẫn đến sầu riêng chín, chủ hàng phía Trung Quốc không nhân hàng, lái xe có nguy cơ phải đền toàn bộ số tiền hàng nên mới đem về Hà Nội bán nhằm vớt vát lại vốn.
Còn chuyện mọi người nói sầu chín như bị nhúng thuốc, vị đại diện Công ty A Hung giải thích: Sầu riêng khi thu hái từ nhà vườn thường là sầu riêng xanh để đảm bảo trong quá trình vận chuyển (vài ngày) thì đến Trung Quốc bắt đầu chín đều là vừa. Tuy nhiên, khi vận chuyển điều hoà trên xe bị hỏng dẫn đến sầu bị sốc nhiệt, kéo theo đó có hiện tượng chín không đều, vỏ chỗ vàng chỗ xanh.
Trước nhiều ý kiến tiêu cực liên quan đến việc Hội lái xe (HLX) giúp giải cứu 17 tấn sầu riêng, Facebook Vũ Xuân Kiểm chia sẻ: "Không ai ngu đến mức đánh 17 tấn sầu riêng từ Nam ra Bắc để chờ mong sự giải cứu khi chưa biết kết quả giải cứu như thế nào. Vì vậy, việc anh em HLX miền Tây rơi vào hoàn cảnh khó khăn (có thể là đường cùng) là hoàn toàn có thật, là khách quan không có yếu tố lợi dụng.
Theo Facebook này, việc giải cứu này là cứu một anh em thoát được cảnh phá sản, cứu được cả gia đình anh em. Thế nên, chủ trương đưa ra là cứu được chừng nào phải cứu anh em bằng được.
"Còn khi mua sầu riêng, người mua đi với tâm thế một người làm việc thiện, làm việc tâm đức, tình người. Nên chắc chắn rằng "nếu chẳng may nhận phải quả kém ngon thì họ vẫn vui vì đã làm được một việc tốt", facebook Vũ Xuân Kiểm chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện số điện thoại của nhóm tài xế bán sầu riêng đều không liên lạc được. Điện thoại của Công ty cổ phần Quang Minh (chủ lô hàng) thì không có ai trả lời. Đây chính là điểm tiếp tục gây nghi vấn nhất trong câu chuyện này