Video tiêm kích tàng hình Su-57 thử nghiệm mẫu tên lửa hành trình đối đất mới Kh-59MK2 được đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu công bố hôm 25.5.
Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp báo về hoạt động đánh giá vũ khí mới của Nga trên chiến trường Syria.
Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ năm của Nga và có thể coi sánh ngang hàng với máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor và F-35 của Mỹ. Các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 thông thường sở hữu hệ thống radar vượt trội, có khả năng tàng hình và sử dụng động cơ cực mạnh cho phép chúng di chuyển với tốc độ thậm chí nhanh hơn tốc độ âm thanh
Trong video, một tiêm kích Su-57 bay ở độ cao lớn, phóng ra quả đạn màu đỏ từ khoang giấu vũ khí phía đuôi. Quả đạn mở cánh nâng và bắt đầu hành trình bay tới mục tiêu. Cuộc thử nghiệm được ghi hình bởi phi công trên một tiêm kích Su-30 bay gần đó.
Giới phân tích nhận định quả đạn được dùng là tên lửa hành trình tầm xa Kh-59MK2, biến thể được thiết kế riêng cho tiêm kích Su-57. Màu đỏ cho thấy đây là tên lửa dùng trong thử nghiệm bay, có đầy đủ tính năng kỹ thuật nhưng không được trang bị đầu đạn chiến đấu.
Loại tên lửa này được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar, có thiết kế module và khung vỏ hình chữ nhật, giúp giảm diện tích phản xạ radar và cho phép quả đạn nằm gọn trong khoang vũ khí chật hẹp của những chiếc Su-57.
Kh-59MK2 sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp với định vị toàn cầu trong giai đoạn bay hành trình. Tên lửa còn được trang bị đầu dò hồng ngoại để bám bắt mục tiêu trong quá trình tiếp cận, giúp nó đánh trúng cả những mục tiêu đang di chuyển hoặc đổi hướng tấn công trong thời gian thực.
Đường truyền dữ liệu hai chiều cho phép phi công điều khiển quả đạn từ lúc phóng cho tới thời điểm diệt mục tiêu. Mỗi quả Kh-59MK2 có tầm bắn khoảng 250 km, được trang bị đầu nổ mảnh nặng 240 kg hoặc xuyên phá nặng 320 kg. Thiết kế module cho phép điều chỉnh tầm bắn và loại đầu nổ tùy thuộc vào nhiệm vụ triển khai.
Sự xuất hiện của Kh-59MK2 sẽ giúp những chiếc Su-57 tấn công chính xác ở tầm xa trong khi vẫn duy trì khả năng tàng hình do không phải treo tên lửa ở dưới cánh. Việc tên lửa sử dụng đầu dò hồng ngoại cũng khiến tàu chiến trở thành mục tiêu tiềm tàng với những đòn đánh từ mẫu tiêm kích hiện đại này.
Trước đó, hồi tháng 2, báo Kommersant của Nga dẫn nguồn tin quân sự cho biết, hai máy bay chiến đấu thế hệ 5 Su-57 của Nga được triển khai tới Syria. Hai máy bay này được cho là đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria nằm ven Địa Trung Hải, và được hộ tống bởi một máy bay chiến đấu Su-35.
Chiếc Su-57 đầu tiên của Nga bay thử vào năm 2010 nhưng gặp nhiều sự cố trong quá trình phát triển. Thậm chí, đến nay, sau 8 năm, ước tính chỉ có khoảng 10 máy bay này được vận hành, trong đó được cho là có 2 chiếc được triển khai đến Syria tháng 2 vừa qua.