Bốn năm trước, vợ chồng chị Vân, làm công chức nhà nước, thuê một căn nhà cấp 4 ở Quan Nhân (Hà Nội). Nhà có phòng khách và buồng ngủ, bếp và vệ sinh riêng, giá thuê 3,5 triệu đồng. Trước khi có con, họ sống ở đây khá rộng rãi, thoải mái.
Tháng 10.2015, họ sinh con gái đầu lòng. Bà nội từ quê ra chăm con dâu đẻ và cháu. Ban đầu, anh Quân (chồng Vân) mua một chiếc giường đặt ở phòng ngoài cho mẹ nằm. Đến mùa đông lạnh, căn nhà cấp 4 lại trống hoác nên Quân quyết định chuyển chiếc giường của mẹ vào trong buồng cho ấm.
Vì điều kiện sống, việc chung phòng ngủ, giường ngủ với mẹ chồng ngày nay vẫn tồn tại và theo chuyên gia tâm lý nên sớm tìm cách giải quyết để tránh ảnh hưởng xấu đến quan hệ vợ chồng. Ảnh: Xinhua.
Phòng chưa được chục m2, hai chiếc giường kê sát sạt. Mẹ chồng nằm cạnh, nên "chuyện ấy" của đôi vợ chồng trẻ vốn đã thưa thớt vì dính bầu luôn sau cưới, nay càng vắng bóng.
Vân kể chồng chị là con một, mẹ lại lớn tuổi mới sinh được anh nên tình cảm hai mẹ con vô cùng gần gũi. Đến giờ mẹ vẫn gọi anh là "trai nòi". Còn anh thì luôn giữ thế cân bằng, nếu có ôm vợ thì tay kia cũng phải quàng ôm mẹ.
"Vì chung phòng ngủ nên hai vợ chồng không có không gian riêng chút nào. Có lúc mình thực sự khát khao được chồng ôm nhưng anh không bao giờ thể hiện tình cảm với mình trước mặt mẹ vì sợ mẹ buồn", Vân kể.
Không được chồng quan tâm, đời sống chăn gối lạnh lẽo, nhất là thời điểm đó Vân mới sinh con, dễ buồn, dễ tủi. "Một lần mình nhắn tin nói rõ với chồng việc chung phòng. Anh ấy nói: 'Anh cảm thấy mối quan hệ giữa chúng ta có khoảng cách vô hình. Anh tin là từ phía cả hai. Nhưng phải cố gắng vượt qua khoảng thời gian này. Vì có mẹ ở đây nên anh không thoải mái với vợ được'", cô nhớ lại.
Hai vợ chồng cứ xa cách kéo dài như vậy. Có lúc Vân thậm chí đã nghĩ đến chuyện bỏ nhau. Tận đến khi con được 15 tháng, bé đi nhà trẻ, bà nội về quê, tình cảm hai vợ chồng mới dần được cải thiện.
Từ sau lần đó, Vân rút ra rằng phòng ngủ chỉ nên là chốn riêng của vợ chồng, hạn chế tối đa sự có mặt của người thứ ba. Hiện tại, họ đã mua trả góp được nhà riêng, trong đó có phòng dành riêng cho ông bà thi thoảng ra chơi.
Mùa hè năm nay, cuối cùng chị Quyên (32 tuổi) cũng đã cảm nhận được sung sướng có một căn phòng riêng, không bị ai làm phiền.
Năm 2013, chị Quyên (quê Vĩnh Phúc) lấy anh Tâm và sống cùng nhà với bố mẹ chồng trong một căn nhà 3 tầng ở Xuân Phương (Hà Nội). Nhà có đủ phòng ngủ cho các cặp vợ chồng, con cái. Tuy nhiên, cả nhà lại chỉ có một chiếc điều hòa nên suốt 5 năm sống cùng bố mẹ chồng, phòng ngủ của vợ chồng Quyên bị cả bố mẹ và em trai chồng chiếm đóng từ tháng 5 tới tháng 9.
Bức xúc vì điều đó, chồng Quyên đã bàn mua điều hòa cho bố mẹ, song mấy lần nói ông bà đều gạt đi không lắp vì sợ tốn điện. Chuyện ngủ chung gây ra những tình huống dở khóc, dở cười. "Vợ chồng mình không dám làm ăn gì, nên 'chuyện ấy' đều phải tranh thủ ra nhà nghỉ buổi trưa. Hai đứa con mình đều là sản phẩm từ nhà nghỉ cả", chị cười kể.
Muốn "hoạt động" nhưng vợ chồng chị Quyên cũng phải bấm bụng nhịn. Ảnh minh họa.
Ngày đấy lương hai vợ chồng đều thấp nhưng một tháng phải chi ít nhất một triệu cho nhà nghỉ. Tình trạng này kéo dài suốt 4 năm, dù sau đó em chồng cưới vợ, phòng cũng lắp điều hòa, song bố mẹ ngại leo cầu thang nên cứ trưng dụng của con cả.
Không chỉ ngủ chung, căn phòng của đôi vợ chồng trẻ còn biến thành chốn công cộng. Khi không ngủ cùng, mẹ chồng cô vẫn giữ thói quen đột ngột mở cửa, lúc thì mang đồ vào cho cháu, gọi đánh thức con hay chỉ để hỏi một điều gì đó.
"Có bữa đang 'lâm trận' thì bị mẹ vào phá ngang, xấu hổ chẳng dám bước ra ngoài. Lắm lúc nghĩ bà vô duyên lắm, nhưng chuyện tế nhị chẳng biết góp ý sao. Vợ chồng mình từ đó tự hiểu, muốn hành sự là phải chốt cửa", Quyên kể thêm.
Chung phòng ngủ với mẹ chồng vốn tưởng chỉ là chuyện của ngày xưa, nhưng ngày nay do điều kiện sống chi phối mà tình trạng này vẫn còn. Chuyên gia tâm lý Minh Hoa phân tích: "Phòng ngủ vốn là chốn riêng tư của hai vợ chồng. Việc có thêm người thứ ba xuất hiện sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ. Nhất là việc kìm chế 'chuyện ấy' lâu ngày làm tâm lý không thoải mái, dễ gây những mâu thuẫn. Lâu dần tình trạng này làm giảm ham muốn hoặc nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khác".
Để tình trạng này không kéo dài, hai vợ chồng phải tìm cách giải quyết hết sức tế nhị và kiên trì. Ví như có thể nhường phòng cho cha mẹ, hoặc chọn giờ sinh hoạt riêng tư chỉ của hai vợ chồng.
"Dẫu bạn muốn làm cách gì cũng phải khéo léo, kẻo ảnh hưởng đến tình cảm mẹ con. Và cách tốt nhất là hãy phối hợp cùng chồng để giải quyết", nhà tâm lý khuyên.