Sáng 28.5, trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam cho biết, đơn vị đã nhận công văn 469 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Việt Nam chi nhánh Quảng Nam về việc hỗ trợ thu nợ vay đóng tàu theo NĐ 67 trễ hạn, trong đó có tàu của ngư dân Trần Văn Liên (huyện Thăng Bình) bị hỏng máy nằm bờ.
Tàu sắt 67 của ngư dân Trần Văn Liên nằm bờ nhiều năm bị yêu cầu thanh lý
Ban Chỉ đạo tàu 67 (BCĐ 67) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp, trong đó đặc biệt tìm hướng giải quyết vấn đề tàu sắt theo NĐ 67 của ngư dân Liên. Cuộc họp có sự tham dự của ngư dân, đơn vị đóng tàu Bảo Duy, BIDV Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước.
“Tại cuộc họp, phía BIDV Quảng Nam khẳng định chấm dứt không cho ngư dân Trần Văn Liên vay nữa. Nguyên nhân ngân hàng không cho vay là năng lực tài chính, quản lý tàu của ngư dân Liên tiếp theo không đáp ứng được, nên phải thực hiện theo Nghị định 17 (NĐ 17).
NĐ 17 nêu rõ, trong quá tình đóng tàu, ngư dân không đủ khả năng về tài chính, năng lực hoàn thiện con tàu ra khơi thì phải thanh lý tàu. Việc thanh lý này được thỏa thuận giữa ngân hàng, người đóng tàu, ngư dân, sau khi thanh lý xong sẽ chuyển sang cho người tiếp theo (được gọi là ngư dân mới) và tiếp tục thực hiên chính sách 67.
Chỉ có phương án thanh lý là tốt nhất, sau đó ngân hàng tổ chức họp phối hợp cùng BCĐ 67 Quảng Nam tìm đối tác có đủ năng lực, tài chính. Sau đó, BCĐ 67 báo cáo với UBND tỉnh để loại ngư dân Liên ra, rồi bổ sung ngư dân mới vào để thực hiện chính sách mới được tốt hơn” - ông Tấn nêu rõ.
Ông Ngô Tấn - PGĐ Sở NNPTNT Quảng Nam: "Thanh lý tàu sắt 67 được thực hiện theo NĐ 17"
Theo ông Ngô Tấn, tại cuộc họp, ngư dân Liên có nguyện vọng muốn tiếp tục giữ con tàu. Nhưng qua phân tích của ngân hàng, năng lực tài chính của ngư dân Liên bị phá vỡ nên không thể theo con tàu. Để cho tàu sớm vươn khơi, ngư dân phải có thêm nguồn vốn, nhưng ngư dân Liên không đáp ứng được yêu cầu.
“Phía ngân hàng họ vẫn quyết định cuối cùng về nguồn vốn. Nếu ngân hàng không cho vay thì bây giờ cũng chịu. Hiện BCĐ 67 đang làm báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam để có hướng giải quyết” - ông Tấn cho biết.
Ngư dân Trần Văn Liên (phải) vẫn mong muốn giữ lại con tàu để một lần được vươn khơi biển Hoàng Sa, Trường Sa
Trao đổi với Dân Việt, ngư dân Trần Văn Liên cho biết, BIDV yêu cầu thanh lý tàu để chuyển cho người mới, vì họ nêu lý do tôi nợ quá hạn kèm với lãi hàng năm khoảng 1 tỷ đồng, nên ngân hàng nói không cho vay nữa và yêu cầu thanh lý tàu.
“Việc tàu nằm bờ và chưa bàn giao cho tôi, vậy lấy gì để tôi đi biển kiếm tiền trả nợ gốc và lãi hằng năm? Cái này đâu phải lỗi do tôi mà là do Công ty đóng tàu Bảo Duy gây nên việc hỏng máy, từ đó tàu nằm bờ không vươn khơi được.
Lúc họp, tôi cũng cương quyết muốn được giữ lại tàu, vì đây là tâm huyết một đời đi biển của tôi. Nhưng phía ngân hàng vẫn quyết không chịu giải ngân và đòi thanh lý” - ngư dân Liên chia sẻ.
Từ khi tàu nằm bờ do hỏng máy, ngư dân Liên phải ở nhà vá lưới thuê
Theo ngư dân Liên, để bổ sung nguồn vốn, gia đình ông đã đổ vào gần 1 tỷ đồng, bỏ bê việc làm để bám lấy con tàu, nhưng giờ trắng tay. Ước mơ một lần cầm lái đưa tàu 67 vươn khơi biển Hoàng Sa, Trường Sa nhưng mơ ước đó vẫn chỉ là tưởng tượng.
“Tôi cũng mong muốn, nếu các bên vẫn quyết định thanh lý tàu thì hãy trả lại số tiền gốc 750 triệu đồng vốn đối ứng, để tôi có tiền đóng tàu khác đi biển” - ngư dân Liên mong muốn.
Như Dân Việt thông tin, ngư dân Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) chủ tàu sắt Qna-94679TS đóng theo NĐ 67, trị giá 16 tỷ đồng (hiện còn 7,5 tỷ đồng Ngân chưa giải ngân -PV) nhiều năm phải nằm bờ tại Thọ Quang (Đà Nẵng).
Việc tàu nằm bờ do hỏng máy khiến gia đình ông Liên lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất. Ông đã quyết định kiện Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty TNHH Liên Á ra tòa. HĐXX đã tuyên phần thắng cuộc thuộc về ông Liên và yêu cầu Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng (tổng số tiền mua máy) cho ngư dân Liên.
Sau khi bị thua kiện, Công ty Bảo Duy đã có đơn kháng án không đồng ý bồi thường và đề nghị Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị bán máy tàu cho ngư dân Liên) phải bồi thường, chứ Bảo Duy không có lỗi nên không bồi thường.
Ngày 30.1, TAND tỉnh Quảng Nam đã xử phiên phúc thẩm kết luận: Chấp nhận kháng cáo của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy, buộc Công ty CP Tập đoàn Liên Á hoàn trả lại cho ông Liên số tiền 1.570.000.000 đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng.