Để có được sự khởi sắc đó, chính là nhờ sự đổi mới trong cách làm phim, cách tiếp cận khán giả. Đó là sự thay đổi từ "nội tại" đội ngũ biên kịch, đạo diễn, các nhà sản xuất để có những bước đi phù hợp với xu thế...
Đã có nhiều "món" để lựa chọn
Năm 2017, một loạt bộ phim mới, hấp dẫn đã được hầu hết các khán giả chờ đợi mỗi đêm như "Người phán xử"; "Lặng yên dưới vực sâu"; "Vực thẳm vô hình"; "Bước nhảy hoàn vũ"; "Tuổi thanh xuân" (Phần 2); "Ngự lâm không kiếm"; "Ngược chiều nước mắt"... năm 2018 đó là các bộ phim "Thương nhớ ở ai"; "Cả một đời ân oán"; "Mộng phù hoa"; "Đánh tráo số phận"... đã chiếm được cảm tình của người xem và được coi như một "món ăn tinh thần" hằng đêm của khán giả cả nước. Có lẽ, điều này đã làm cho thói quen giải trí của nhiều công chúng màn ảnh nhỏ thay đổi.
Thay vì đổi kênh, tắt tivi... thì đã có nhiều người mong đến "giờ vàng" để xem những bộ phim đang làm cho mình "hồi hộp" chờ đợi tiếp tục diễn biến như thế nào. Có thể nói, điều này đang dấy lên một phong trào "yêu phim Việt" và sự chờ đợi từ phía khán giả vào những cái mới, cái hấp dẫn của những bộ phim với những chủ đề về đời sống hiện đại, về gia đình...
Có lẽ, nhiều người vẫn còn cảm thấy lưu luyến với bộ phim "Sống chung với mẹ chồng", một chủ đề "hot" xoay quanh chuyện mẹ chồng, nàng dâu hay bộ phim "Người phán xử" với một bức tranh khốc liệt trong cuộc chiến giành thế lực trong thế giới ngầm của giang hồ hiện đại cũng như cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng.
Điều đáng nói là 2 bộ phim này thành công lại có xuất phát điểm là được remake lại từ những bộ phim của Hàn quốc và Israel, được Việt hóa với bối cảnh và câu chuyện của Việt Nam. Điều vui nhất là dù được Việt hóa song 2 bộ phim nói trên không hề gượng gạo, ngược lại, đã thu hút được lượng khán giả xem, bình luận cũng như lượt xem lại trên các phương tiện khác một cách chóng mặt.
Cảnh phim "Người phán xử"
Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân, một nhà biên kịch trẻ đã có công Việt hóa phim "Sống chung với mẹ chồng" tạo nên cơn sốt vừa qua, chia sẻ: Theo chị, chủ đề cho phim truyền hình thì quanh đi quẩn lại cũng na ná nhau, nên có lẽ chính yếu tố "chả phim ảnh gì" lại dễ lôi cuốn khán giả.
Tức là, cùng đề tài quen thuộc nhưng nếu các tình huống trên phim được xử lý dù cường điệu hóa mà vẫn để người xem nhìn thấy mình, hay người quen của mình qua tính cách, ngôn ngữ, phong thái nhân vật thì việc được chú ý, được nhớ đến, được quan tâm sâu sắc sẽ có thể dễ hơn những phim quá lý tưởng, xa với thực tế.
Ở Hàn Quốc, có nhiều bộ phim tạo tiếng vang bằng cách đưa ra thật nhiều chi tiết vô lý, khiến khán giả vừa xem, vừa cáu nhưng vẫn phải theo dõi đến cùng bởi diễn xuất của diễn viên rất thuyết phục. Tuy nhiên, đấy không gọi là phim ăn khách mà công thức cho phim ăn khách, theo những gì chị biết sẽ là "Kịch bản gắn với những vấn đề thân thuộc nhất, gần gũi nhất + diễn viên diễn xuất tốt + đạo diễn biết cách tối ưu hóa tình huống và cảm xúc của diễn viên".
Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân
“Sống chung với mẹ chồng" ăn khách không phải nhờ kịch bản hay mà chị cho rằng bộ phim gây tiếng vang nhờ đề tài, là chủ đề quá nóng, quá quen, quá bức xúc, quá khẩn thiết... của đông đảo các thành phần khán giả. Là mẹ chồng, mẹ vợ, con dâu, con gái... Đạo diễn, diễn viên đều xuất sắc trong vai trò của mình, thì việc một đề tài quá phong phú để thi triển, mang sự quen thuộc tới quá nhiều người chắc chắn tạo nên cảm hứng rất rõ rệt. Nhà biên kịch Đặng Thiếu Ngân đặt yếu tố gương mặt thân quen xuyên suốt quá trình sáng tác. Và rõ ràng, khi xem phim, rất nhiều khán giả đã nhận ra mình, chị mình, em mình, hàng xóm của mình qua các nhân vật trong phim.
Cốt truyện hấp dẫn là yếu tố làm nên sức nóng
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, giảng viên Khoa Biên kịch, Đại học Sân khấu điện ảnh, người đã có công đào tạo nn một đội ngũ những nhà biên kịch trẻ đã chia sẻ: Phim truyền hình ăn khách trước hết là do cốt truyện. Theo chị, phim truyền hình dài tập "sống" được với yếu tố tiên quyết là cốt truyện hay và hấp dẫn. Diễn viên dù đẹp đến mấy mà cốt truyện nhạt nhẽo, ít tình tiết gay cấn thì khán giả cũng sẽ tắt đi bật kênh khác. Vì khán giả có quyền. Họ không phí phạm thời gian cho những câu chuyện vô duyên, nhạt nhẽo.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã
Thường các phim lấy cốt truyện remake từ các phim nổi tiếng nước ngoài, bản thân các phim đó đều đã tốt, đã ăn khách rồi, đã có khán giả và công chúng rồi, lại cùng phông nền văn hóa, thì khán giả của chúng ta yêu thích, phát cuồng là điều dễ hiểu. Lại thêm dàn diễn viên xinh đẹp, biết diễn xuất nữa thì quá toàn diện.
Trên thực tế, có một dạo, phim truyền hình chưa ăn khách vì rất nhiều lý do, trước hết là định hướng đề tài. Rõ ràng, nếu phim muốn người thành phố xem thì phải nói đến những vấn đề nóng của đô thị, muốn giới trẻ quan tâm thì phải nói đến những vấn đề của giới trẻ, chứ không thể định hướng đề tài về nông thôn chẳng hạn mà lại buộc giới trẻ đô thị quan tâm thì rất khó để trở thành phim "hot".
Sức hấp dẫn của một bộ phim, ngoài cốt truyện hay thì còn nhiều yếu tố về biên kịch, đạo diễn, bối cảnh, thậm chí là tìm được một điểm dừng để chuẩn bị tập tiếp theo vào ngày hôm sau cho khán giả theo dõi cũng là cả một sự kỳ công, thông minh của đạo diễn. Phim tốt, rating tăng thì quảng cáo tăng và nhà sản xuất có lãi.
Khi có lãi thì người ta tiếp tục tìm kiếm những bộ phim ăn khách để chiều theo thị hiếu của khán giả và nếu cứ trên đà như vậy, sẽ có một trào lưu phim hay phát sóng vào giờ vàng để khán giả được xem những gì thực sự cần cho giải trí, cho thị hiếu của mình. Phim truyền hình vì thế mà cũng sẽ đi được vào lòng công chúng trong một mức độ cần thiết nào đó.
Năm 2018 mới đi được một chặng đường ngắn, song phim truyền hình cũng đã bắt đầu nổi bật với nhiều bộ phim lãng mạn tiếp nối dư âm của "Người phán xử" hay "Sống chung với mẹ chồng". Đó là phim "Thương nhớ ở ai" (kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng) hoặc phim "Tình khúc Bạch Dương"...
Trên thực tế, nhiều năm trở lại đây, ngoài 2 đơn vị nhà nước là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Hãng Phim truyền hình TP HCM (TFS), đã có rất nhiều công ty truyền thông tham gia xã hội hóa sản xuất phim dài tập hay nhập khẩu phim ngoại để cung cấp cho các đài truyền hình. Chính vì thế, đài truyền hình bùng nổ về số lượng kênh phát sóng và cả giờ chiếu phim truyện. Hình thức mua bán phim phổ biến giữa nhà sản xuất và đài truyền hình là đổi quảng cáo.
Và để có quảng cáo tốt, thì việc của nhà làm phim là làm nên những bộ phim đánh trúng tâm lý khán giả, chỉn chu và đầu tư nghiêm túc từ khâu sản xuất, casting diễn viên, chiến lược truyền thông và quan trọng hơn, là bộ phim đó lấy được niềm vui, nỗi buồn, nước mắt và sự quan tâm trọn vẹn của khán giả.
Hết rồi cái thời "ăn đong"
Đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng, người được coi là quá quen thuộc trên phim truyền hình trong vai trò là diễn viên, sau này, ông là đạo diễn của nhiều bộ phim nổi tiếng như "Bí thư tỉnh ủy"; "Đường đời"; "Ngõ lỗ thủng"; "Gió mùa thổi mãi" chia sẻ rằng, để làm phim truyền hình, trước hết mình phải làm hết trách nhiệm và làm thật kỹ thì khán giả sẽ xem thôi.
Đạo diễn Quốc Trọng
Người ta hay đổ lỗi là nhiều đề tài gống nhau thì chán, na ná thì khán giả dễ đổi kênh, nhưng theo ông, mỗi người một phong cách nên làm thì sẽ khác và cũng không thể làm mãi một đề tài. Sự thay đổi là điều đương nhiên.
Trước nay, chúng ta đang làm phim theo kiểu "ăn đong", tức là được chăng hay chớ, có kịch bản hay, đạo diễn tốt thì phim hay. Nhưng hai điều này không phải lúc nào cũng song hành. Hiện nay chúng ta có quá ít đội ngũ những người biên kịch trẻ chuyên nghiệp. Họ thậm chí được đào tạo ra nhưng lười viết. Một số trường hợp chăm thì lại viết quá yếu, quá thiếu. Thậm chí khi có một đề tài hay thì mới gom người viết, chứ chưa có những người chuyên biệt làm theo kiểu một dây chuyền sản xuất bài bản như kiểu ý tưởng này thì phải giao cho người A, ý tưởng kia thì phải giao cho người B...
Chính vì thế, chúng ta chỉ làm từng đầu việc một cũng đã quá mất nhiều thời gian cho việc hoàn thành một bộ phim hoàn chỉnh theo cách chuyên nghiệp, hiện đại, nhanh nhạy, nắm bắt đúng thị trường, thị hiếu và vẫn thuộc kiểu "gọt chân cho vừa giày".
Tuy nhiên, như chúng ta thấy, thời gian qua đã có những khởi sắc cũng vì nhiều lý do, từ việc phim được Việt hóa từ phim nước ngoài đã có thành tựu, dàn diễn viên chuyên nghiệp, đạo diễn và nhà sản xuất biết cách thu hút khán giả. Bản thân bộ phim cũng đã lay động được trái tim của người xem và tìm điểm chung của khán giả. Tuy nhiên, ở góc độ một người làm nghề chuyên nghiệp, đạo diễn Quốc Trọng vẫn mong muốn sẽ có những bộ phim thực sự có thông điệp chuyển tải được những giá trị lâu bền trong tương lai, chứ không chỉ là trước mắt và rồi sẽ chìm đi cùng thời gian.
Phim truyền hình Việt đang có những thay đổi rất tích cực. Điều đó có được từ sự đầu tư tâm huyết, kỹ lưỡng từ khâu chọn đề tài đến rà soát, chỉnh sửa từng chi tiết trong kịch bản, cộng với những áp lực trong khâu sản xuất, được bổ trợ thêm bởi quy trình truyền thông rất tinh tế, không mang cho khán giả cảm giác bội thực hay khó chịu. Khi phát sóng, các yếu tố tiên quyết để phim trở thành "hot" và được khán giả yêu thích không còn là “xanh - chín”, đợi ăn may... mà thực sự đã có những bước tiến đáng ghi nhận...