Dân Việt

Hoài Linh làm khán giả khóc, cười trong vở kịch "Hiu hiu gió bấc"

Thảo Vân 29/05/2018 13:05 GMT+7
Đã rất lâu, khán giả mới lại gặp một Hoài Linh rất khác ở 'Hiu hiu gió bấc' - vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018 của bộ đôi tác giả- đạo diễn Như Trúc - Minh Nhật. Vở diễn sẽ ra mắt khán giả vào ngày 9-10.6, tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Không còn là một Hoài Linh tếu táo với những tiếng cười ồn ào, NSƯT Hoài Linh đã có một vai diễn khiến cả khán phòng có thể cùng khóc, cùng cười với từng cung bậc cảm xúc của nhân vật.

img

Có một Hoài Linh rất khác ở Hiu hiu gió bấc

Về với vùng sông nước miền Tây, NSƯT Hoài Linh hoá thân thành người đàn ông cô độc. Bao nhiêu năm ông dành trọn tình thương cho Hết - đứa cháu ngoại côi cút với ước mơ một ngày Hết có cuộc đời hạnh phúc hơn ông, hơn cha mẹ của nó… Nhưng chỉ vì nghèo mà đứa cháu mồ côi lại phải chịu thêm một lần bất hạnh khi mẹ của Hoài - người yêu Hết - muốn gả cô cho một người giàu có, đủ điều kiện để lo cho Hoài cuộc sống ấm êm…

Giữ vai trò là bệ đỡ cho các diễn viên trẻ Công Danh, Đoàn Thanh Phượng, Huỳnh Tiến Khoa, Thuỳ Trang…, NSƯT Hoài Linh phối hợp rất ăn ý để nâng cảm xúc và tâm lý cho bạn diễn. Có một Hoài Linh rất khác, không chỉ vì anh có thể cười đó, khóc đó và dẫn dắt trọn vẹn cảm xúc của người xem, mà còn khác ở lối diễn chậm rãi, bớt ồn ào và chăm chút cho từng chi tiết khi thể hiện tâm lý nhân vật. 

img

NSƯT Hoài Linh - người tiếp lửa cho các bạn diễn quanh mình

Có những dấu lặng của ông ngoại – Hoài Linh khiến người xem thấy lòng mình se thắt. Không một câu thoại, chỉ dáng đi loạng choạng, đôi tay run run ôm chặt đứa cháu vào lòng… Chừng đó thôi, đủ để khiến người xem rưng rưng nước mắt. Không khó nhận ra rằng anh đã truyền được ngọn lửa cho những đồng nghiệp trẻ, để họ có đủ tự tin hoá thân và bay bổng với các nhân vật của  mình.

Không phải là một vở diễn đỉnh cao hay tác phẩm sân khấu mang nhiều tính đột phá, nhưng Hiu hiu gió bấc (tác giả Như Trúc chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) là một điểm son cho sân khấu kịch xã hội hoá TP.HCM trong ngày thứ hai của Liên hoan sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp.

img

Tình yêu của chú Năm dành cho Lan - một mảng màu đẹp của Hiu hiu gió bấc

Câu chuyện mộc mạc hệt như bản tính của những con người vùng sông nước miền Tây. Dẫu hỉ nộ ái ố ở cuộc sống luôn hiện hữu, thì cái nghĩa, cái tình của những con người chân chất mộc mạc vẫn cứ là vô tận. Đó là tình yêu và sự chung thuỷ đợi chờ của chú Năm; là sự hy sinh của Hết với mong muốn người mình yêu  có cuộc sống tốt đẹp hơn; là nghĩa vợ tình chồng sắt son của Hoài, là tình yêu vô điều kiện ông ngoại dành cho Hết…

Chuyện kịch không quá nhiều kịch tính, nhưng hấp dẫn bởi cách kể mềm mại, sự khéo léo khi khai thác sâu tâm lý nhân vật và những sắp xếp hợp lý trong sử dụng chất liệu âm nhạc để truyền cảm xúc đến người xem.

img

Lớp diễn khá "đắt" của Công Danh và NSƯT Hoài Linh

Công Danh - gương mặt quen thuộc của cả sân khấu lẫn truyền hình đã mang lại cho không ít người từng biết anh sự ngạc nhiên thú vị. Hoá thân thành Hết, Công Danh khá thông minh trong chọn chi tiết để thể hiện tâm lý nhân vật. Tiếng cười thay cho tiếng khóc của Hết khi mất người yêu và phải bỏ cả nơi mình đã sinh ra cho thấy một Công Danh trưởng thành và “cứng cáp” hơn rất nhiều so với chính mình trước đó.

Minh Trường – Chuông vàng Vọng cổ 2015 cũng là “hiện tượng” của Hiu hiu gió bấc. Rất đồng điệu với các bạn diễn là diễn viên kịch nói cả trong diễn xuất lẫn cách thoại lời, nếu không biết Minh Trường từ trước sẽ ít ai ngờ anh là diễn viên cải lương “chính hiệu”. Không có nhiều lớp diễn, nhưng mỗi lần xuất hiện, Minh Trường luôn tạo được sức hút đặc biệt. Tung tẩy với nhân vật nhưng rất chắc tâm lý, Minh Trường đủ sức thuyết phục khán giả dù đó là một chàng trai hào hoa hay người chồng nát rượu …

img

Minh Trường (phải) gương mặt "lạ" ấn tượng của sân khấu kịch TP.HCM

Thành công của Hiu hiu gió bấc không thể thiếu phần thiết kế sân khấu đẹp như tranh của Hứa Mẫn - nhà thiết kế sân khấu thế hệ 9X. Bỏ lại không gian ồn ào, náo nhiệt của thành phố bên ngoài cánh cửa, khán giả ngỡ như mình đang được về miền quê Nam bộ với rặng dừa nước, cầu khỉ, với khoảng sân yên bình bên bến sông và tiếng mái chèo khua nước…

Vở diễn còn có sự góp mặt của các diễn viên NSƯT Đàm Loan, Huỳnh Tiến Khoa, Hồng Trang, Ngọc Nga…  Dự kiến sau Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2018, Hiu hiu gió bấc sẽ lên kế hoạch biểu diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát Trần Hữu Trang vào ngày 9-10.6.