Dân Việt

Còn án oan nếu thiếu người công chính

25/01/2013 06:21 GMT+7
(Dân Việt) - Trong năm 2013, hoạt động của ngành tòa án là không bỏ lọt tội phạm, không kết án oan - đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại hội nghị của ngành tòa án diễn ra ngày 22.1.

Cả hai việc đều vô cùng khó khăn và là thử thách đặt ra với ngành tòa án. Không bỏ lọt tội phạm là một cố gắng, không kết án oan còn phải cố gắng nhiều hơn. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm. Với nhiều ngành khác, các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra có thể không hoặc chưa đạt được, nhưng hậu quả mà nó để lại có thể không ảnh hưởng nhiều đến cá nhân và cộng đồng.

Ví dụ, tạo công ăn việc làm, không để người lao động thất nghiệp là mục tiêu, nhưng năm qua, vẫn có hơn 1 triệu người thất nghiệp do hàng trăm doanh nghiệp đóng cửa. Chỉ tiêu thu ngân sách, kiềm chế lạm phát cũng đặt ra cụ thể hằng năm, nhưng sự chênh lệch giữa kế hoạch và thực tế vẫn thường xảy ra. Tất nhiên khi không đạt được chỉ tiêu, sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của đất nước, nhưng bên cạnh đó Nhà nước vẫn có những chính sách, biện pháp điều chỉnh, hỗ trợ nhằm đảm bảo đời sống của người dân, ổn định xã hội.

Nhưng riêng với ngành tòa án, để xảy ra nhiều án oan sai, hậu quả của nó không thể tính hết được và không dễ dàng điều chỉnh như lĩnh vực kinh tế hay xã hội khác. Bởi vì, đó là sinh mạng, sức khỏe, số phận của một con người. Một người bị án oan là cả gia đình, dòng họ chịu oan khiên. Và không có bất cứ thứ gì có thể đổi lại được thời gian, tuổi thanh xuân, sức khỏe và danh dự. Án oan luôn cướp đi tất cả những thứ quý giá đó của một con người. Niềm tin của nhân dân vào tòa án cũng chính là niềm tin đối với chế độ. Cho nên, gây ra oan sai là tước đoạt niềm tin trong lòng dân chúng.

Không bỏ lọt tội phạm đặt ra như một thách thức, nhất là đối với nhóm tội phạm tham ô, tham nhũng. Hành vi tham nhũng vô cùng tinh vi, lại có sẵn tiền để phù phép, biến báo, mua chuộc. Không phải không có lý khi tại nhiều hội nghị về phòng chống tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng tràn lan nhưng phát hiện và đưa ra xét xử rất ít. Chưa kể, chất lượng giải quyết các vụ án rất thấp, kéo dài. Khó có thể biết được bao nhiêu tội phạm bị bỏ lọt, nhất là tội phạm tham nhũng.

Vì sao tội phạm còn bị bỏ lọt, vì sao án oan sai còn xảy ra? Nguyên nhân chính là do sự hạn chế về trình độ năng lực và sự liêm chính của người chấp pháp. Đã có nhiều trường hợp “chạy án” bị phát hiện, xử lý, nhưng còn có nhiều vụ “chạy án” khác còn trong bóng tối. Sẽ khó có thể thay đổi được chất lượng xét xử nếu như không có sự thay đổi mạnh mẽ về công tác cán bộ.

Thiếu kiến thức pháp luật có thể bổ sung bằng các hệ thống bồi dưỡng, đào tạo, nhưng thiếu đạo đức khó có gì bù đắp được. Dân chúng sẽ còn gặp rủi ro oan khiên khi bước đến tòa án nếu như thiếu người công chính.