Tại phiên tòa xét xử các bị cáo liên quan vụ án chạy thận tại bệnh viện Đa khoa Hòa Bình làm 9 người tử vong cách đây 1 năm, luật sư Nguyễn Danh Huế đưa ra vấn đề về chi phí chạy thận ở Hòa Bình đắt gấp đôi ở Hà Nội.
Cụ thể, luật sư Huế nêu: Hòa Bình là tỉnh nghèo, nhưng bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa Hoà Bình lại phải chịu chi phí chạy thận đắt tới mức phi lý (7,7 USD/ca chạy thận). “Ở nơi đắt đỏ nhất như tuyến Trung ương tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giá cũng chỉ 3,5-4 USD nhưng ở Đơn nguyên thận nhân tạo bệnh viện Đa khoa Hoà Bình lại có giá gấp đôi. Đây là điều vô lý”, luật sư Huế nêu quan điểm.
Trước thông tin này, ông Lê Xuân Hoàng – Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, trước đây, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình hợp đồng với công ty TNHH Thiên Sơn, mỗi ca phải trả tiền thuê máy của họ là 7,7 USD. Đây là chi phí bệnh viện trả, còn bệnh nhân chạy thận được bảo hiểm chi trả.
“Đây là liên kết giữa bệnh viện và công ty Thiên Sơn vì trước đây mình không có máy, không mua được máy, mình phải thuê của công ty Thiên Sơn.
Vấn đề này tôi không nắm được vì thời điểm đó tôi chưa về công tác tại bệnh viện. Sau khi sự cố chạy thận xảy ra, chúng tôi đã cho dừng chạy máy đó. Hiện tại, sau khi Đơn nguyên thận nhân tạo – khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện hoạt động trở lại, chúng tôi đang sử dụng 10 máy của bộ Y tế cấp và một số máy của bệnh viện. Mức chi trả cho mỗi ca chạy thận sẽ theo quy định của bộ Y tế”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ảnh minh họa.
Theo tìm hiểu của PV, theo quy định của bộ Y tế, cơ cấu giá một lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân thận được xây dựng gồm 11 khoản bao gồm chi phí dây lọc máu, dịch lọc, màng lọc, dịch sát khuẩn màng lọc...
Trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 7 khoản nhưng không vượt quá 543.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một). Mức chi trả bảo hiểm còn tùy thuộc vào vấn đề người bệnh được thanh toán theo diện đồng chi trả 80%, 95% hay 100%; chạy thận ở bệnh viện hạng nào.
Bên cạnh đó, bệnh nhân phải chạy thận nhận tạo có hai dạng là chạy thận cấp cứu (khi có bệnh lý cấp tính) và chạy thận chu kỳ.
Thông thường bệnh nhân được chỉ định chạy thận 3 lần mỗi tuần; trường hợp bệnh nhẹ thì thời gian đầu 2 lần một tuần sau đó tăng lên 3 lần.
Bệnh nhân chạy thận cấp cứu lần đầu phải đặt catheter riêng chi phí phần này khoảng một triệu đồng. Chi phí chạy thận chu kỳ tùy thuộc vào vật tư tiêu hao, theo thông tin chia sẻ từ ông Phan Văn Toàn, Vụ phó vụ Bảo hiểm Y tế, bộ Y tế thì, nếu tính theo giá đầy đủ thì hiện nay chưa có mức giá cụ thể.
Chính phủ đang giao lộ trình cho bộ Y tế đến năm 2020 mới tính đầy đủ được. Còn tính theo bảo hiểm là tính chi phí trực tiếp cộng với tiền lương.
“Những người chạy thận nhân tạo đa số là hộ nghèo được bảo hiểm chi trả 100%. Tuy nhiên, còn tùy theo yêu cầu hay dịch vụ kỹ thuật nào nằm ngoài phạm vi thanh toán của bảo hiểm thì họ vẫn phải thanh toán”, ông Toàn nói.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đưa ra ý kiến, với đối tượng hưởng bảo hiểm 100% sẽ được bảo hiểm chi trả toàn bộ chi phí nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.
Với đối tượng phải đóng 20% bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì lần khám chữa bệnh lần sau khi đi đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả.
Trước thông tin PV đưa ra về mức giá chạy thận ở bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cao hơn nhiều so với bệnh viện tuyến Trung ương như luật sư đưa ra ở phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án chạy thận, ông Phúc cho hay: "Đó là ăn chia giữa đơn vị đặt máy và bệnh viện".