Chiều 24.1, ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các cấp ngành của tỉnh để trả lời cho các cơ quan thông tấn, báo chí về những nội dung vụ cưỡng chế sai của UBND huyện Sơn Tịnh đối với gia đình ông Đỗ Hữu Trí.
Ông Phạm Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh trình bày các nội dung liên quan. |
Trong số vấn đề mà các phóng viên tham dự nêu tại cuộc họp, đáng chú ý là những câu hỏi liên quan đến việc thỏa thuận thương lượng bồi thường như: Cơ sở để xác định giá trị của cây cảnh, nguồn tiền bồi thường chi trả cho gia đình ông Trí, việc xử lý vi phạm đối với ông Phạm Vinh - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh và các cá nhân tham gia cưỡng chế...
Đại diện chính quyền huyện Sơn Tịnh - ông Phạm Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sai phạm trong việc cưỡng chế đối với gia đình ông Trí của UBND huyện Sơn Tịnh là chỉ một phần. Vì vậy trong tính toán bồi thường, huyện chỉ tính ở phần làm sai, gồm: Diện tích đất là 10.500m2 (làm tròn số), với số cây trên đất đã kiểm đếm khoảng 36.400 cây; tổng số tiền bồi thường cho tất cả thiệt hại gần 1,8 tỷ đồng.
Trong khi đó diện tích đất mà ông Trí đòi bồi thường đưa ra là hơn 32.600m2 và số cây bị thiệt hại trên 421.000, với tổng số tiền đòi bồi thường ước trên 50 tỷ đồng. Vì vậy, sau 4 lần thương lượng, UBND huyện Sơn Tịnh vẫn chưa đạt được kết quả thỏa thuận với gia đình ông Trí.
Về số tiền bồi thường chi trả cho ông Trí, theo ông Lữ Ngọc Bình - Chánh Thanh tra, đại diện UBND tỉnh, trước mắt UBND huyện Sơn Tịnh sẽ tạm ứng ngân sách để chi trả. Sau khi đã xác định trách nhiệm cụ thể, những tổ chức, cá nhân nào vi phạm, tùy theo mức độ sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn lại.
Về trách nhiệm của UBND tỉnh đối với sai phạm trên, ông Bình cho biết: Theo quy định, UBND huyện Sơn Tịnh là cấp có đủ thẩm quyền để ra và thực hiện quyết định cưỡng chế. Vì vậy huyện là cơ quan phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vi phạm và hậu quả đã gây ra.
Theo ý kiến đại diện các cấp ngành Quảng Ngãi, vấn đề khó khăn nhất hiện nay trong việc thỏa thuận bồi thường giữa 2 bên chính là xác định giá trị cây trồng, mà cụ thể là cây cảnh trên diện tích bị cưỡng chế sai. Bởi lẽ đây là loại cây Nhà nước chưa quy định giá bồi thường. Trong khi đó, ông Trí yêu cầu bồi thường về cây cảnh tới trên 46 tỷ đồng. Ông Phạm Xuân Vinh bày tỏ: Huyện sẽ tiếp tục tham khảo Hội Làm vườn, một số cá nhân chuyên trồng... để xác định giá trị chuẩn nhất của loại cây này, trên cơ sở đó đưa ra mức bồi thường hợp lý nhất cho gia đình ông Trí.
Ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Chính quyền Sơn Tịnh và các cấp ngành liên quan của tỉnh phải phối hợp và hỗ trợ nhau để có thể đến ngày 30.1.2013 có văn bản báo cáo kết quả bồi thường cho tỉnh, tránh đưa vụ việc ra tòa án, dẫn đến kéo dài vụ việc.
Ông Nguyễn Ngô Hai - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư: Ra quyết định phải cân nhắc kỹ
Đã làm lãnh đạo thì phải có trách nhiệm với dân, trước khi ra mỗi quyết định hệ trọng liên quan tới cuộc sống của dân đều phải cân lên đặt xuống để xem lợi hại của quyết định đó với dân ra sao, dân được gì, mất gì? Nếu người làm lãnh đạo mà không đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu mà chỉ nhăm nhăm tìm xem dân sai phạm đâu để xử lý, ép uổng người ta như vậy thì không xứng làm lãnh đạo nữa.
Luật sư Nguyễn Quang Tiến (Hà Nội): Vụ việc có dấu hiệu hình sự
Theo tôi, vụ việc trên có dấu hiệu hình sự, cần phải chuyển cơ quan điều tra thụ lý. Trong quá trình điều tra sẽ xác định rõ hành vi của những cá nhân đến đâu trong vụ việc này. Thông thường, trong các vụ án liên quan đến tài sản, người bị truy tố khi ra tòa xét xử, bản thân họ sẽ phải chịu trách nhiệm 2 phần hình sự và dân sự. Dân sự liên hệ với vụ việc này là trách nhiệm của người làm sai đối với cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác.
Lương Kết - Kiều Minh (ghi)
Công Xuân