Nhiều di tích nổi tiếng ở Quảng Nam đang xuống cấp nghiêm trọng, có thể kể ra như lăng mộ bà Mạc Thị Giai, lăng mộ công chúa Ngọc Dung; Nhà lao Thông Đăng, khu mộ tướng Tây Sơn, nhà lao Hội An (Hội An); đồi Bồ Bồ, nhà ông Nguyễn Nho Phán (Điện Bàn); đình làng Ái Nghĩa, lăng Bà Chợ Được (Thăng Bình), đình làng Diên Lộc (Quế Sơn), mộ Lê Vĩnh Khanh (Tiên Phước)...
Ngày 23-11, Trưởng phòng VH-TT huyện Duy Xuyên, bà Lưu Thị Hiền Phương, cho rằng, các di tích miếu, mộ, đình, chùa... do yếu tố tâm linh và gắn liền với từng cộng đồng cụ thể nên quản lý và huy động các nguồn lực để bảo vệ thuận lợi. Còn phần lớn các di tích cấp tỉnh còn lại không có kinh phí nên việc bảo vệ thường xuyên là nan giải.
Ông Dương Đức Quý, Phó ban Văn hóa xã hội, HĐND tỉnh Quảng Nam cho hay: "Kẹt ở chỗ chưa có nghị quyết chuyên đề về di tích nên việc quản lý không có cơ chế chặt chẽ!".
Theo ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, di tích hoang phế có nguyên nhân là do ý thức người dân sống tại khu vực có di tích còn yếu. Việc trùng tu còn chồng chéo giữa các cấp, các địa phương.
Ông Cả nói: "Có nơi dự án phê duyệt đã lâu, kinh phí, hồ sơ khoa học đã được lập nhưng địa phương không thực hiện việc đền bù giải tỏa, dẫn đến chậm trễ trong triển khai".
Trả lời Dân Việt về trách nhiệm quản lý di tích lăng mộ Đoàn Quý Phi, Giám đốc Sở VH-TT&DL Đinh Hài cho rằng: "Huyện Duy Xuyên chịu trách nhiệm".
Về Phật viện Đồng Dương, ông Hài thừa nhận thuộc quản lý của tỉnh. Tuy nhiên, việc trồng keo lá tràm, bạc hà thành rừng ở đây thì ông cho là trách nhiệm của xã, huyện vì "hai cấp này đã làm biên bản cam kết không để xảy ra xâm phạm".
Vũ Vân Anh