Khách quốc tế ấn tượng với các gian hàng nông sản Việt Nam. Ảnh: Q.H
Ông Nguyễn Xuân Hiếu, phụ trách thị trường khu vực châu Á, châu Phi của cà phê Trung Nguyên cho biết, khách hàng tham dự Thaifex 2018 đến từ rất nhiều nước như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Họ có những phản hồi rất tích cực với sản phẩm cà phê G7.
“Với người Thái Lan, họ biết khá tốt về cà phê G7 nhưng chưa rõ về sản phẩm cà phê rang xay, đến Thaifex lần này, chúng tôi mong sẽ tìm được những nhà phân phối mới cho sản phẩm cà phê rang xay này”, ông Hiếu nói.
Rất đông khách quốc tế đến thăm quan, tìm hiểu về hàng nông sản Việt. Ảnh: Q.H
Cũng theo ông Hiếu, năm trước thị trường Thái Lan đem về cho Trung Nguyên 1,5 triệu USD, năm nay Trung Nguyên muốn phát triển lên khoảng 3 triệu USD.
Trong khi đó, chỉ trong ngày đầu tiên diễn ra Thaifex 2018, VinEco đã tiếp xúc được 25 doanh nghiệp, họ đều là những khách hàng quan tâm đến sản phẩm của VinEco. Tuy nhiên, theo đại diện của VinEco, điều bất lợi là Thái Lan bảo trợ cho sản phẩm nông nghiệp rất chặt chẽ, hải quan họ làm căng với nông sản mình, họ có luật bảo vệ nông dân và nông sản họ đến cùng.
“Do đó, nếu thực hiện tất cả các thủ tục như là kiểm dịch, thì chi phí mang hàng sang Thái lan sẽ rất cao… Đó là thực tế chúng ta cần chú ý”, ông Hiếu cho biết.
Các sản phẩm thu hút nhất trong Làng hữu cơ là gạo - dừa và trái cây sấy. Ảnh: Q.H
Gạo trưng bày trên những chiếc thuyền thúng khổng lồ đường kính 1,5m. Ảnh: Q.H
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá: Qua triển lãm, có thể thấy về bao bì sản phẩm Việt nhìn chung còn thua các nước, chuyện ấy không mới. Cái mới là họ đang đua tranh kịch liệt về thay đổi chất liệu và kỹ thuật còn Việt Nam thì đang lơ ngơ cãi nhau về... mỹ thuật. Tuy nhiên, về chất lượng, độ tinh tế thì nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được đánh giá tích cực hơn.
“Chẳng hạn với mặt hàng trái cây sấy, công nghệ sấy lạnh và sinh học của Vinamit chẳng ngán ai. Khách Nhật vào nếm thử miếng sầu riêng thì tròn mắt tâm phục, còn yaourt đông khô thì độ dòn và thơm, tan trong miệng hấp dẫn hơn hẳn các sản phẩm của Thái cùng loại”, bà Hạnh ví dụ.
Các sản phẩm tôm khô và cốm dẹp Trà Vinh được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Q.H
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương (bên trái ảnh) cùng các thành viên của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam thực hiện nhiều món ăn đặc sản của Việt Nam như: Gỏi xoài Đồng Tháp - Tôm khô Trà Vinh; Tép rang dừa Bến Tre - Cơm gạo ST24, Chè sen Đồng Tháp... Ảnh: Q.H
Khách quốc tế đánh giá cao các sản phẩm trái cây sấy của Việt Nam. Ảnh: Q.H