Dân Việt

Hiệp định Paris và ấn tượng của bạn bè quốc tế

25/01/2013 06:08 GMT+7
(Dân Việt) - Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris lịch sử, những người bạn quốc tế từng chứng kiến thời khắc lịch sử đó, những người đã từng đứng lên đấu tranh phản đối cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ, cùng nhớ lại.

Bà Helene Luc - cựu nghị sĩ, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp Việt:

Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, Pháp đã tiếp 2 đoàn Việt Nam, một diễn ra ở Choisy-Le-Roi và một ở Massy. Để giúp đoàn có thể giải quyết những khó khăn về vật chất và khắc phục điều kiện làm việc của ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ, tôi cùng các bạn bè Đảng Cộng sản Pháp đã dành tất cả sự giúp đỡ có hiệu quả cho đoàn.

Tôi cũng không ngờ rằng đàm phán kéo dài đến 5 năm. Cuối cùng họ không còn con đường nào khác phải chọn phương án đàm phán.

Tiến sĩ Harish Mehta, phóng viên báo Busines Times từ 1987 - 2003, đã sang Việt Nam nhiều lần:

Tôi cho rằng thỏa thuận hòa bình này là khoảnh khắc chiến thắng lịch sử cho Bắc Việt vì nó củng cố niềm tin của họ, rằng Chính phủ Mỹ rồi sẽ kiệt lực và rút quân khỏi Việt Nam. Đó là chiến thắng chiến lược cho Hà Nội vì thỏa thuận hòa bình đánh dấu thời khắc thất bại lịch sử về ba mặt của Mỹ - quân sự, ngoại giao và chiến lược.

Quân đội Mỹ đã không đè bẹp được quân đội Bắc Việt. Ngoại giao Mỹ không buộc được quân miền Bắc rút khỏi miền Nam. Sau chót, chiến lược kiềm chế chủ nghĩa cộng sản ở miền Bắc của Mỹ thất bại vì đa phần nông thôn miền Nam đã do cách mạng nắm giữ.

Tom Hayden - nhà hoạt động chính trị xã hội Mỹ với 25 năm hoạt động chống chiến tranh:

Tháng 12.1965, tôi đến Hà Nội trong một hoạt động chống chiến tranh. Chúng tôi đã đến thăm một ngôi làng gần như bị xóa sổ vì bom Mỹ, và lời nói dối của Richard Nixon đã bị phơi bày.

Chúng tôi sau đó đã mở đường cho phóng viên Harrison Salisbury của tờ New York Times đến Việt Nam, sau này những điều tra và công bố của ông là bằng chứng cho thấy chính quyền Richard Nixon đã rất tàn ác và dối trá.