Kỹ sư Đỗ Văn Hải (áo kẻ tím) trong một cuộc họp chuyên đề ứng dụng công nghệ vào PVC. (Ảnh: NVCC)
Bị PVC sa thải
Như NTNN/Dân Việt đã đưa ở bài trước, vào cuối năm 2011, sau khi bị tạm giam gần 3 tháng, kỹ sư Đỗ Văn Hải đã được Viện KSNDTC ra Quyết định đình chỉ vụ án, Ban lãnh đạo Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã tiến hành họp xét kỷ luật đối với ông Đỗ Văn Hải.
Ngày 13.2.2013 Hội đồng kỷ luật PVC đã họp và nhất trí kỷ luật ông Hải với lý do “Hành vi vi phạm của ông Đỗ Văn Hải đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD, lợi ích, uy tín, thương hiệu của Tổng công ty”.
Tiếp đó, ngày 29.3.2013 ông Vũ Đức Thuận-Tổng Giám đốc PVC đã ký quyết định số 681/QĐ-XLDK-TCNS về việc thi hành kỷ luật ông Đỗ Văn Hải bằng hình thức sa thải do hành vi của ông Đỗ Văn Hải đã “gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, lợi ích, uy tín và thương hiệu của PVC, căn cứ theo khoản a, mục 1 Điều 85 của Bộ luật Lao động”.
“Tôi không bằng lòng với cách xử lý của PVC nên đã gửi đơn khiếu nại đến lãnh đạo PVC, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH. Tuy nhiên, tất cả đều trả lời tôi quyết định kỷ luật sa thải của PVC là đúng pháp luật, mặc dù PVC không đưa ra được bằng chứng tôi gây thiệt hại về vật chất cho PVC theo quy định của Điều 85 Bộ luật Lao động”, ông Hải nói.
Ngày 14.8.2013, Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm đã xét xử và ra quyết định bản án số 02/2013/LĐST không hủy quyết định kỷ luật sa thải số 861 của PVC.Không nản chí, ông Hải tiếp tục gửi đơn tới Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội khởi kiện quyết định sa thải trái pháp luật của PVC.
Theo quyết định bản án số 2 của Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm, PVC sa thải ông Đỗ Văn Hải với lý do hành vi vi phạm pháp luật của ông Đỗ Văn Hải đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với PVC: “Thiệt hại về vật chất là hơn 7,6 triệu đồng, thiệt hại về uy tín, thiệt hại về cơ hội kinh doanh, gây hoang mang tới cán bộ, nhân viên PVC; khiến hình ảnh của PVN cũng như hình ảnh của PVC đối với các đối tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của PVC.
Một công trình của ngành dầu khí do kỹ sư Đỗ Văn Hải thiết kế và giám sát thi công. (Ảnh: IT)
Đặc biệt bản án số 2 còn kết luận “việc làm của ông Hải ảnh hưởng tới tâm lý của cổ đông hiện tại và cổ đông tiềm năng của PVC, làm giảm giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Cụ thể, giá cổ phiếu PVX trên sàn chứng khoán đang ở mức 20.900 đồng/cổ phiếu (ngày 19.1.2010) giảm xuống mức 9.800 đồng/cổ phiếu ngày (31.5.2011), với mức giá trên đó làm cho cổ đông của PVC tổn thất số tiền khoảng trên 2.500 tỷ đồng” (?).
Nếu như vậy thì trong khoản thua lỗ 3.300 tỷ đồng của PVC do Thanh tra Chính phủ kết luận, riêng kỹ sư Đỗ Văn Hải đã phải chịu trách nhiệm “gánh” tới 2.500 tỷ đồng.
Gian nan gõ cửa công đường
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, ngày 15.8.2013, kỹ sư Đỗ Văn Hải làm đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội. “Bản án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung tố tụng xét xử khi Hội đồng xét xử chấp nhận bằng chứng mà PVC đưa ra là vì việc tôi tố cáo tiêu cực của ông Đinh La Thăng”, ông Hải chia sẻ.
Tuy nhiên, trong bản án phúc thẩm số 43 ngày 26.12.2003, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội ra phán quyết: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Văn Hải đối với PVC về việc hủy quyết định sa thải và yêu cầu bồi thường thiệt hại do sa thải trái pháp luật”.
Tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao, ngày 23.12.2015, Giám đốc thẩm đã có quyết định số 01 về vụ án “tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” do ông Trần Văn Tuân – Phó Chánh án, Chủ tọa phiên tòa tuyên: Hủy toàn bộ bản án lao động phúc thẩm số 43 ngày 26.12.2013 của TAND TP. Hà Nội và Bản án sơ thẩm số 02 ngày 14.8.2013 của TAND huyện Từ Liêm, đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Lý giải về vấn đề này, Tòa án Nhân dân tối cao cho rằng, căn cứ vào Nghị định 04 ngày 11.1.2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo của luật lao động, cụ thể, Điều 22 thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật quy định: “Khi quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật thì người sử dụng lao động, người lao động, tập thể lao động, cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm chỉnh”.
Ông Đỗ Văn Hải khẳng định ông không đấu tranh cho bản thân ông mà đấu tranh vì sự phát triển chung của ngành dầu khí. (Ảnh: PV)
Sau khi có quyết định sa thải, ông Hải đã gửi đơn lên PVC, Sở LĐTBXH Hà Nội và Bộ LĐTBXH để yêu cầu giải quyết là ông đã lựa chọn người giải quyết khiếu nại; yêu cầu giải quyết của ông Hải đã được giải quyết bằng quyết định của Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH, đây là quyết định giải quyết cuối cùng có hiệu lực pháp luật và ông Hải phải có nghĩa vụ chấp hành. Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Hải là sai.
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest cho rằng, việc Tòa án nhân dân tối cao viện dẫn Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11.1.2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo về lao động là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật, bởi: Nghị định số 04/2005/NĐ-CP áp dụng đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo do vi phạm về lao động (Điều 1, Điều 2), không áp dụng đối với các trường hợp khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động (điểm b khoản 2 Điều 3).
Trong khi đó, Điều 166 Bộ luật Lao động năm 1994, sửa đổi năm 2007 quy định rõ tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải là tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động. Do đó, về nguyên tắc các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động hoà giải không thành, khi có đơn yêu cầu của một hoặc hai bên tranh chấp thì Toà án nhân dân giải quyết. Như vậy việc khởi kiện của ông Đỗ Văn Hải là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.
“Không thể nhầm lẫn giữa thủ tục hành chính (khiếu nại, tố cáo) và giải quyết tranh chấp lao động (tố tụng dân sự). Việc này đã làm bản chất sự việc liên tục bị bóp méo”, luật sư Phạm Ngọc Minh đánh giá. |
Mặt khác, luật sư Minh cũng cho biết, những sai sót nghiêm trọng về tố tụng cũng như sai lầm của người trực tiếp áp dụng luật xảy ra đến mức khó tin trong vụ án “tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” nguyên đơn là ông Đỗ Văn Hải.
Cụ thể, luật sư Minh phân tích: Tại cấp sơ thẩm, bản án số 02/2013/LĐST ngày 14.8.2013, cấp phúc thẩm, bản án số 43/2013/LĐ-PT ngày 26.12.2013 nhận định “Hành vi vi phạm pháp luật của ông Đỗ Văn Hải đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với PVC:… thiệt hại về uy tín, thiệt hại về cơ hội kinh doanh, gây hoang mang tới cán bộ, nhân viên trong Tổng công ty PVC; xâm phạm đến hình ảnh của PVN... với mức giảm trên đó làm cho các cổ đông của PVC tổn thất số tiền khoảng trên 2.500 tỷ đồng”. Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của PVC và quy kết cho cho ông Đỗ Văn Hải đã gây thiệt hại cho PVC số tiền trên 2.500 tỷ đồng, đây là những thiệt hại tưởng tượng.
Luật sư Minh cũng khẳng định, những thiệt hại của PVC đã được chứng minh chính là hậu quả từ vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC do các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm gây ra…
Như vậy, có nhiều điểm trong đơn tố cáo của ông Đỗ Văn Hải đã được chứng minh là đúng sự thật.
Cũng theo luật sư Minh, tại cấp Giám đốc thẩm, Tòa án đã viện dẫn đến trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại về lao động “Căn cứ Nghị định số 04/2005/NĐ-CP ngày 11.1.2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về khiếu nại, tố cáo, cụ thể:… yêu cầu của ông Hải đã được giải quyết bằng quyết định của Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH là quyết định giải quyết cuối cùng, đã có hiệu lực pháp luật và ông Hải có nghĩa vụ chấp hành. Việc tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Hải là sai” là sai lầm nghiêm trọng về tố tụng và áp dụng luật nội dung.