Chiều nay (31.5), phát biểu thảo luận ở tổ về dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN – sửa đổi), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể (ĐBQH Đoàn Sóc Trăng) cho rằng: Dự Luật PCTN được cả xã hội, nhân dân rất quan tâm nên khi ban hành phải hết sức cụ thể, nếu ban hành vẫn còn một số điều chưa rõ ràng hoặc khó khả thi thì không thể thực hiện được, thậm chí có tác dụng ngược.
“Đề nghị từ nay đến kỳ họp thứ 6, trước khi dự thảo Luật PCTN sửa đổi được Quốc hội thông qua, cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi nhằm đảm bảo tính chặt chẽ”, ông Thể nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng bày tỏ quan điểm đồng tình việc mở rộng đối tượng cán bộ kê khai tài sản. “Hôm nay anh là một cán bộ bình thường nhưng có thể 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm sau lại là cán bộ lãnh đạo. Do đó, theo dõi tài sản cán bộ phải theo dõi ngay từ đầu để sau này có cơ sở xử lý cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm. Việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản là rất hợp lý vì chúng ta đã có công nghệ thông tin, toàn bộ các dữ liệu chúng ta có thể lưu trữ được một cách dễ ràng”, Bộ trưởng Thể nói, đồng thời nhấn mạnh thêm nếu đợi đến lúc cán bộ được bổ nhiệm mới bắt phải kê khai thì rõ ràng sẽ có một khoảng trống rất lớn dẫn tới việc kiểm soát tài sản của một cán bộ rất khó.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại tổ (ảnh IT).
Vẫn theo đại biểu Nguyễn Văn Thể việc cán bộ phải kê khai phải đi cùng với kiểm tra tài sản. “Công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta thời gian qua, theo tôi đánh giá cái chưa thật sự tốt là công tác rà soát lại bản kê khai tài sản của cán bộ. Chúng ta yêu cầu cán bộ phải kê khai tài sản nhưng công tác công khai bản kê khai, kiểm tra xem có kê khai đúng hay không thì chưa chặt chẽ, còn hạn chế”, ông Thể cho hay.
Người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh thêm, trong dự thảo Luật PCTN công tác bảo vệ người tố giác tham nhũng phải được đề cao. Làm tốt việc này sẽ góp phần đưa luật vào cuộc sống. “Còn nếu chưa bảo vệ được người tố cáo thì rất khó để thu thập được đầy đủ thông tin về sai phạm của cán bộ”, ông Thể nói.
Phát biểu tại tổ, ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật PCTN sửa đổi) cho biết: Qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN có đánh giá việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả. “Qua đánh giá, các cơ quan chức năng đang quản lý trên 1 triệu bản kê khai, nhưng do yếu tố trong nội bộ còn nể nang, nên việc xác minh xem kê khai có đầy đủ hay không còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi cần có một cơ quan chuyên trách để thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ hiệu quả hơn”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Theo ông Lê Minh Khái, sau khi nghiên cứu, cân nhắc cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án. Căn cứ theo điều kiện thực tế Chính phủ đề nghị giao cho hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước trong đó có Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh.
Đối với cơ quan thanh tra nhà nước hiện có một bộ phận chuyên trách về PCTN, tham gia vào quá trình thực hiện Luật PCTN như Thanh tra Chính phủ thì có Cục PCTN. Theo phương án này sẽ phân cấp Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên. Còn dưới thì Thanh tra Bộ, ở địa phương là Thanh tra tỉnh. Phương án này được Chính phủ chọn…