Dân Việt

Bài 3: Ông Đỗ Văn Hải "tái ngộ" PVC với bản cam kết “kỳ lạ”

Nhóm PVĐT 01/06/2018 08:00 GMT+7
Để được trở lại làm việc ở Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Đỗ Văn Hải còn phải viết thêm một bản cam kết “kỳ lạ”. Đó là "cam kết dừng, không khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, phản ánh, kiến nghị bằng bất kỳ hình thức nào"...

img

Ông Đỗ Văn Hải (áo xanh) trong một cuộc họp về ứng dụng khoa học công nghệ vào PVC. (Ảnh: NVCC)

Bản cam kết kỳ lạ

Như tại kỳ trước đã thông tin, sau khi bị Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam sa thải do có đơn tố cáo ông Đinh La Thăng và các cán bộ ngành dầu khí và bị quy kết là “làm thất thoát tài sản của PVC tới 2.500 tỷ đồng”, ông Đỗ Văn Hải đã làm đơn gửi Sở LĐTBXH Hà Nội và Bộ LĐTBXH để khiếu nại quyết định sa thải.

Tuy nhiên, thấy việc giải quyết của các đơn vị này không thỏa đáng, ông Hải đã gửi đơn kiện ra tòa. Tòa án các cấp đã thụ lý và xem xét từ mức sơ thẩm, sau đó phúc thẩm và Giám đốc thẩm vẫn kết luận việc PVC quyết định sa thải ông Hải là đúng luật.

Tuy vậy, sau đó ông Đỗ Văn Hải đã được nhận vào làm trở lại tại PVC sau khi có đơn xin việc trình bày hoàn cảnh kèm theo một bản cam kết “kỳ lạ”.

Cụ thể, bản cam kết viết ngày 2.3.2015 gửi tới PVN, Đảng ủy PVC, Hội đồng quản trị PVC, Tổng Giám đốc PVC, các đoàn thể chính trị - xã hội của PVC...

Bản cam kết nêu rõ: “Nay tôi xin cam kết với PVC và các cơ quan chức năng những nội dung như sau sau khi được tuyển dụng lại và làm việc tại PVC với chức danh Phó trưởng Ban Kỹ Thuật-An toàn: Cam kết dừng, không khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, phản ánh, kiến nghị bằng bất kỳ hình thức nào đến các cơ quan bộ/ban/ngành, các đồng chí lãnh đạo ở T.Ư, địa phương, các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình ở Trung ương, địa phương, PVN, PVC, các cấp có thẩm quyền khác về vụ việc giữa bản thân tôi và PVC cũng như các tập thể, cá nhân khác...”.

Ông Hải chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại là lao động chính nên đã “chấp nhận” viết đơn xin việc kèm theo bản cam kết “lạ lùng” này để được trở lại làm việc tại PVC.

Sau khi ông Đỗ Văn Hải có đơn xin việc kèm theo bản cam kết “kỳ lạ”, ngày 6.4.2015 nguyên Tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh đã ký quyết định 1028 tiếp nhận và bổ nhiệm ông Đỗ Văn Hải giữ chức Phó trưởng Ban kỹ thuật an toàn của PVC với hình thức lao động không xác định hời hạn.

Giá như...

Nhìn lại hành trình 27 năm tố cáo, đấu tranh với tiêu cực trong ngành dầu khí của kỹ sư Đỗ Văn Hải, đặc biệt là kể từ khi ông có đơn tố cáo các sai phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng và nhiều cán bộ cao cấp ngành dầu khí vào năm 2010 - 2011, có thể thấy đến nay nhiều nội dung tố cáo đã được chứng minh là chính xác. Nhiều nội dung có giá trị cảnh báo cao với những sai phạm gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng trong ngành dầu khí.

img

PVC bết bát phải chuyển giao dự án cho đơn vị khác (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, việc xử lý và tiếp nhận thông tin của nhiều cơ quan chức năng chưa như ông Hải mong đợi. Cụ thể, sau khi gửi đơn, ông Đỗ Văn Hải đã nhận được giấy mời của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng - C48 (đã sáp nhập với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thành C46) ký ngày 25.8.2014 đề nghị lên làm việc vào hôm sau.

Biên bản làm việc giữa ông Đỗ Văn Hải và cán bộ phòng 1 của C48 được lập vào ngày 26.8.2014 ghi rõ: “Ông Đỗ Văn Hải đến C48 nộp đơn tố cáo Ban lãnh đạo PVC thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh là HĐQT có hành vi làm trái các quy định của nhà nước gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng, có dấu hiệu tham nhũng...”.

Trên thực tế, sau khi làm việc với ông Hải, C48 chưa hồi âm lại với ông Hải là có tiến hành xử lý, điều tra theo phản ánh của người tố cáo hay không. Tới tháng 7.2016, Bộ Công an mới vào cuộc điều tra vụ thua lỗ ở PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo...

Đến tháng 9.2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố Trịnh Xuân Thanh tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trịnh Xuân Thanh sau đó đã bỏ trốn, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc và quốc tế và sau 300 ngày Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú tại cơ quan chức năng.

Ông Đỗ Văn Hải cũng gửi đơn lên Ban Tổ chức T.Ư. Ngày 10.9.2013, Ban Tổ chức T.Ư đã có công văn số 513 chuyển đơn của ông Đỗ Văn Hải sang Ủy ban Kiểm tra T.Ư để Ủy ban xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Ông Đỗ Văn Hải tiếp tục gửi đơn tới Ủy ban Kiểm tra T.Ư ngày 28.8.2013. Tới ngày 3.10.2013, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có văn bản số 508 về phiếu hướng dẫn ông Đỗ Văn Hải và nêu rõ: “Qua nghiên cứu đơn, UBKTTƯ nhận thấy: Việc ông bị Ban lãnh đạo PVC kỷ luật sa thải đã được Tòa án nhân dân huyện Từ Liêm xét xử và ra Quyết định bản án số 02 ngày 14.8.2013, không đồng ý với bản án, ông đã làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Vì vậy, đề nghị ông chờ kết quả giải quyết của tòa án.

Về những tiêu cực liên quan đến đồng chí Đinh La Thăng trong thời gian làm Chủ tịch HĐTV PVN, đề nghị ông cung cấp tài liệu, liên hệ với Ban Nội chính T.Ư để được chỉ đạo xem xét giải quyết. UBKTTƯ trả lại đơn và hướng dẫn ông liên hệ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền nêu trên để được xem xét, giải quyết theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

Tại các phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong hai vụ đại án mới đây, chính ông Thăng đã thừa nhận: “Nếu như các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì những sai phạm đã không lớn và không gây ra hậu quả như ngày hôm nay”.

Sẽ báo cáo Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

Sau khi báo NTNN/Dân Việt đăng 2 bài đầu tiên trong loạt bài “Hành trình 27 năm chống tiêu cực trong ngành dầu khí”, ông Đỗ Văn Hải đã gửi lời cảm ơn tới phóng viên của báo. Ông Hải cũng cho biết ông mới được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) tổ chức buổi tiếp và đối thoại với ông vào chiều hôm qua, ngày 31.5.2018.

Theo biên bản tiếp công dân của Viện KSNDTC đối với ông Đỗ Văn Hải, tham gia buổi đối thoại này có ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng các cán bộ của vụ 1, vụ 12, bộ phận văn phòng, thanh tra của Viện KSNDTC và cả đại diện của các đơn vị C44, C74 thuộc Bộ Công an.

Theo Biên bản cuộc làm việc, Viện KSNDTC khẳng định nội dung đơn của ông Hải chủ yếu là 2 vấn đề chính: Khiếu nại quyết định đình chỉ số 01 ngày 20.12.2011 của Viện KSNDTC và tố cáo các ông bà (cá nhân) có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, bắt giam, khởi tố ông Đỗ Văn Hải trái pháp luật.

Ông Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 12, Viện KSNDTC cho biết: Sau khi ông Hải nhận được Quyết định của Viện KSNDTC từ năm 2011, đến ngày 20.6.2014 ông Hải mới có đơn khiếu nại Quyết định đình chỉ số 01, đối chiếu với quy định tại điều 328 Bộ luật TTHS 2003 thì thời hiệu khiếu nại đã hết nên Viện KSNDTC không thụ lý giải quyết.

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Phong – Phó Viện trưởng Viện KSNDTC cho biết, đối với nội dung khiếu nại quyết định đình chỉ vụ án số 01 ngày 20.12.2011 của Viện KSNDTC do đã hết thời hiệu theo Quy định tại Điều 328 Bộ luật TTHS năm 2013 và "ông Hải đã xin rút nội dung khiếu nại" nên Viện KSNDTC không giải quyết (?).

Về nội dung tố cáo, Viện KSNDTC ghi nhận việc ông Hải lựa chọn hình thức tố cáo các cá nhân thuộc diện Ban Bí thư quản lý và đề nghị ông Hải gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét theo quy định của Đảng.

Ngoài ra, Viện KSNDTC cũng cho biết sẽ báo cáo Ủy ban Kiểm tra T.Ư và các cơ quan có thẩm quyền về việc này.

(Còn nữa)