Dân Việt

Xã Dũng Tiến: Đi lên từ âm vang chiến thắng Đan Điền

05/02/2013 08:36 GMT+7
(Dân Việt) - Ký ức về trận đánh Đan Điền mùa xuân Nhâm Thìn 60 năm về trước (1952) đã và đang khích lệ người dân xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương mình giàu đẹp.

Từ “làng kháng chiến” năm xưa…

Đã 60 năm trôi qua, nhưng trận chống càn quyết liệt trên cánh đồng Đan Điền vào rạng sáng ngày 11.2.1952 vẫn còn in đậm trong ký ức các thế hệ người dân xã Dũng Tiến. Hôm đó, một binh đoàn cơ động gồm 700 lính Âu – Phi, do một quan năm Pháp chỉ huy, với 44 xe lội nước, 2 tàu chiến, 4 máy bay và pháo binh từ các bốt Quý Cao, Ninh Giang, Kiến An bắn yểm trợ, gầm rú, ào ạt tiến thẳng vào xã để càn quét nhằm phá huỷ “làng kháng chiến” và uy hiếp tinh thần dân chúng.

img
Trường THCS xã Dũng Tiến vừa được nâng cấp.

Mặc dù tương quan lực lượng quá mạnh nghiêng về phía địch, song với quyết tâm bám trụ giữ đất, giữ làng, dân quân, du kích địa phương phối hợp bộ đội tỉnh đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, không một tên giặc nào lọt được vào chiến luỹ. Cuộc chiến đấu ngoan cường diễn ra suốt một ngày ròng rã, đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề: Tên quan năm Pháp chỉ huy bị tiêu diệt, 13 xe bọc thép bị phá huỷ… Địch khiếp sợ buộc phải rút quân, mang theo 70 xác lính và 170 tên bị thương.

Chiến thắng Đan Điền, Cự Lai là một trong nhiều trận chống càn của xã Dũng Tiến lúc bấy giờ đã gây tiếng vang lớn, không chỉ chứng tỏ ý chí bất khuất, kiên cường của người dân nơi đây, mà còn củng cố niềm tin vào khả năng hiệp đồng quân dân chống sự càn quét của giặc Pháp trên quy mô lớn. Từ chiến thắng này, Đan Điền–Dũng Tiến trở thành làng xã điển hình của khu Tả ngạn sông Hồng về xây dựng “làng kháng chiến”, được nhiều địa phương khác học tập, noi theo.

Đến làng quê “nông thôn mới” hôm nay

Về Dũng Tiến những ngày này, ai cũng sẽ có chung cảm nhận khí thế thi đua sôi nổi trên khắp các mặt trận, nhất là phong trào dựng xây nông thôn mới. Ông Phạm Thế Lan - Bí thư Đảng bộ xã cho biết, việc chuyển dịch kinh tế, nhất là chủ trương phá thế độc canh cây lúa, xây dựng các vùng sản xuất tập trung đã giúp hình thành nhiều cánh đồng chuyên canh có diện tích rộng từ hàng chục ha trở lên. Có những cánh đồng, cây màu được quay vòng một năm 3-4 vụ, cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ đầy đủ, khang trang đến đẹp và chuẩn hoá về cơ sở vật chất là cả một chặng đường chông gai. Rất mong có sự hỗ trợ của các cấp, ngành để chúng tôi có thêm sức mạnh”.

Cũng theo ông Lan, tốc độ sản xuất nông nghiệp của Dũng Tiến trong 5 năm trở lại đây đạt 11,76%; năng suất lúa luôn trong tốp dẫn đầu huyện Vĩnh Bảo (13 tấn/ha/năm); giá trị sản xuất bình quân đạt trên 60 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn xã đã có 12 trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn, 140 gia trại tổng hợp, hàng chục đầm nuôi thuỷ sản và 14 lán trại lớn trồng nấm thương phẩm… Đáng nói, từ những mô hình sản xuất này, nhiều “triệu phú chân đất” đã ra đời, đi tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Cụ Phạm Thế Hùng - cựu du kích xã từng tham gia trận đánh Đan Điền mùa xuân 1952, không giấu nổi niềm vui, bộc bạch cùng chúng tôi: “Thấy con cháu làm ăn tấn tới, tôi mừng lắm. Bởi cách đây hơn 20 năm, Dũng Tiến còn rất nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 30-40% , nhưng đến nay đã “xoá” chỉ còn 6%. Gần 100% số hộ có nhà xây mái ngói, phương tiện nghe nhìn. Còn điện, đường, trường trạm thì khang trang hơn trước nhiều”.