Nắm lấy cơ hội, Đảng bộ và nhân dân xã từng bước làm thay đổi mảnh đất nghèo này. Xã đã lấy hướng phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn, trong đó chủ lực là cây cao su. Tại đây, diện tích cao su không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2010 toàn xã có 912ha thì đến nay là 1.380ha, với 970ha đang cho mủ. Với mỗi ha cao su, bà con thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Có đến 75% hộ gia đình ở xã này có đất rừng.
Ông Đào Thế Anh - cán bộ văn phòng xã cho biết: Nhờ cao su, bà con xã không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Theo thống kê, năm 2010 toàn xã có 146 hộ nghèo, nay giảm xuống còn 71 hộ, thu nhập của bà con từng bước được cải thiện, bình quân đầu người là 20 triệu đồng/người/năm.
Xã cũng đang nỗ lực thực hiện bê tông hóa các tuyến đường trung tâm. Xã vừa đón nhận dự án làm đường lên tới 50 tỷ đồng và vừa cho đi vào hoạt động một trường tiểu học có quy mô.
Theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Chủ tịch UBND xã, hiện xã đạt được 15/19 tiêu chí xây dựng xã NTM và phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành mục tiêu. Cũng có một số tiêu chí đối với địa phương thực sự là một thử thách, ví dụ như giao thông.
Một xã miền núi có diện tích rộng và địa hình phức tạp như Phong Mỹ sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ bê tông hoặc nhựa hóa các tuyến đường trung tâm và liên xã trong thời gian ngắn (tiêu chí 2). Trường học mặc dù đang được quan tâm xây dựng và nâng cấp nhưng hiện nay vẫn chưa có trường đạt tiêu chuẩn quốc gia, mục tiêu 70% trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015 vẫn là một bài toán khó.
Ngoài ra, tiêu chí số 12 cũng tỏ ra chưa phù hợp với đặc thù của xã. Tiêu chí này quy định tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp chiếm 35%, trong khi số lượng lao động của xã chỉ vào khoảng 3.000, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt khi cây cao su được đưa vào khai thác.
Lê Giàu