Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết: Để chủ động giúp người dân, doanh nghiệp tiêu thụ vải thiều thuận lợi, vừa qua, lãnh đạo huyện đã tham gia đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang đi xúc tiến tiêu thụ vải tại thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc).
Tại Hội nghị này, hai bên đã thống nhất được một số điểm mới trong xuất khẩu giữa hai bên. Trước đó, thông tin từ ngày 1.4, tỉnh Quảng Tây sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với các nông sản nhập khẩu gây không ít hoang mang, lo lắng cho doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, sau khi trao đổi hai bên đã thống nhất phía Quảng Tây sẽ cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu vải Việt Nam một mã vạch sản xuất riêng, thể hiện đầy đủ tên sản phẩm, tên DN nên tôi khẳng định, quy định mới của nước bạn sẽ không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn giới thiệu với lãnh đạo, thương nhân Bằng Tường đặc sản vải thiều Bắc Giang. Ảnh: BBG.
Đặc biệt, hải quan cả hai phía đều cam kết sẽ làm việc với phương châm “hết hàng mới nghỉ”, tạo điều kiện cho quả vải được thông quan một cách thuận lợi nhất. Theo đó, vải thiều sẽ có luồng đi riêng để về bến bãi tập kết một cách nhanh nhất.
Hiện công tác hậu cần chuẩn bị cho việc vận chuyển, tiêu thụ vải được Lục Ngạn triển khai đến đâu, thưa ông?
Có thể khẳng định, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho một mùa thu hoạch vải thiều đã hoàn tất. Chúng tôi đã sẵn sàng đón các thương nhân ở khắp nơi về tìm hiểu thị trường vải. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm mới được 170km đường giao thông nông thôn, đảm bảo xe container có thể vào tận vườn vải đánh hàng.Lực lượng công an được tăng cường, phối hợp với Đoàn Thanh niên bố trí phân luồng giao thông tại các cửa ngõ chính để tránh ùn tắc vào những lúc cao điểm.
Các ngân hàng trên địa bàn đã chuẩn bị đủ lượng tiền mặt cần thiết để phục vụ khách hàng đổi tiền; hệ thống ngành phụ trợ phục vụ xuất khẩu như thùng xốp, đá cây,… cũng được tăng cường sản xuất, đảm bảo niêm yết giá công khai và không được tăng giá đột xuất.
Một số nhà vườn ở huyện Lục Ngạn bắt đầu thu hoạch vải thiều, bán cho thương nhân Trung Quốc. Ảnh: BBG.
Ông đánh giá về triển vọng thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay như thế nào?
Hiện, vải thiều Lục Ngạn đã nhận được nhiều đơn hàng lớn của các siêu thị, doanh nghiệp trong nước. Dù chưa vào vụ nhưng Saigon co.op Mart cũng đã ký hợp đồng tiêu thụ 500 tấn vải, ngày 8.6 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với hệ thống siêu thị này tổ chức lễ xuất lô vải thiều đầu tiên vào hơn 100 đầu mối tiêu thụ của Saigon Co.op Mart. Ngoài ra, Fivimart cũng cam kết thu mua 500 tấn, Hapro thu mua 500 – 1.000 tấn để xuất sang Malaysia. Công ty Đồng Giao (Ninh Bình) cũng đăng ký thu mua 2.000 tấn phục vụ chế biến. Bên cạnh đó, còn có nhiều DN đến khảo sát, mở rộng tiêu thụ vải.
Thời gian gần đây có những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội nói vải thiều Lục Ngạn bị sâu hỏng, bán với giá rẻ mạt, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đã 10 năm nay, nông dân Lục Ngạn khống chế thành công bệnh sâu cuống, vải thiều của địa phương chưa vào chính vụ nên thông tin vải giảm giá mạnh là hoàn toàn bịa đặt.Hiện tượng vải thiều bị sâu bệnh, chất lượng kém chủ yếu ở các địa phương khác do quy trình chăm sóc còn nhiều hạn chế chứ ở Lục Ngạn, vải bị sâu cuống là bị loại thải, nhất quyết không đưa ra thị trường.
Hiện, ở Tân Yên, Lục Ngạn đã có một diện tích nhỏ vải chín sớm cho thu hoạch, giá tuy có giảm so với mọi năm nhưng không có chuyện rẻ mạt bán không ai mua, đầu mùa giá vải loại 1 vẫn lên đến 35.000 – 40.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 25.000 đồng/kg, còn loại xấu cũng đạt 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Xin cảm ơn ông!