Cách đây hơn 10 năm, do ngán ngẩm với cây cà phê vì giá cả bấp bênh, năng suất lại thấp, lợi nhuận thu được năm nào trúng mùa được giá cũng chỉ 50-60 triệu đồng/ha, còn có năm thất mùa giá giảm chỉ huề vốn, ông Huỳnh Bá Điệp là một trong những người đi đầu trong phong trào đưa cây sầu riêng cơm vàng hạt lép về trồng tại khu vườn hơn 2ha của mình ở ấp 4, xã Phú An...
Ông Huỳnh Bá Điệp trong vườn sầu riêng ở xã Phú An, huyên Tân Phú (Đồng Nai). Ảnh: K. Minh
Cây sầu riêng không phụ công chăm sóc của ông, sau vài năm đã cho trái trĩu cành. Vùng đất, nước và khí hậu nơi đầu nguồn sông Đồng Nai này khá thích hợp để cây sầu riêng cơm vàng hạt lép phát triển. Cây sầu riêng cho tái to tròn và mùi vị thơm ngon không kém với đặc sản sầu riêng của Long Khánh, năng suất đạt đến 18-20 tấn/ha/năm.
Ông Huỳnh Bá Điệp cho hay, đầu mùa thương lái vào vườn mua sầu riêng cơm vàng hạt lép với giá 60.000 đồng/kg, đến giữa mùa giá 35-40.000 đồng/kg nên trừ chi phí ông Điệp còn lời 400-500 triệu đồng/ha/năm. Tính ra, với 2ha sầu riêng cơm vàng hạt lép mỗi năm ông Điệp có lời gần 1 tỷ đồng . Ông không ngại hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc để cũng có vườn sầu riêng tươi tốt cho thu nhập cao...
Theo ông Huỳnh Bá Điệp, sầu riêng cơm vàng hạt lép trồng ở huyện Tân Phú không thua kém về chất lượng, mẫu mã so với sầu riêng trồng ở Long Khánh. Ảnh: IT.
Ông Điệp chia sẻ: “Mấy chục năm làm nông, chỉ đến khi trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép tôi mới khá lên được. Đây là loại cây trồng cho gia đình tôi thu nhập cao nhất từ trước đến nay. Nhiều gia đình thấy tôi trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép trúng liên tục nên đã chuyển những vườn cây cà phê, tiêu, điều già cỗi sang trồng sầu riêng chuyên canh và cũng cho lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha/năm”. Vì vậy, Phú An đang dần hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng được nhiều người biết đến bởi chất lượng trái rất ngon.
Giống sầu riêng cơm vàng hạt lép trồng trong vườn nhà ông Huỳnh Bá Điệp cho năng suất đạt 18-20 tấn/ha/năm. Ảnh: IT.
Nhưng ông Điệp chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà vẫn đau đáu một điều là áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới để có vườn sầu riêng cho trái sạch để người tiêu dùng có thể yên tâm thưởng thức trái ngon, sạch. Nghĩ là làm, khi huyện vận động nông dân trồng và chăm sóc cây trồng theo quy trình an toàn, ông là một trong những người đã đi tiên phong trong phong trào này. Sau vài năm trúng lớn từ vườn sầu riêng, ông Điệp đã mua đất mở rộng diện tích trồng sầu riêng chuyên canh lên 5ha.
Ông Điệp cho biết: “Tôi và nhiều nông dân trong xã đang áp dụng tiêu chuẩn trồng sầu riêng VietGAP để có trái sầu riêng sạch cung cấp cho chợ đầu mối Dầu Giây và thị trường. Tới đây, ngoài chăm sóc cho vườn cây tốt, tôi cùng một số hộ trồng chuyên canh cây ăn trái sẽ liên kết để làm du lịch vườn”.