Dân Việt

Kỹ sư Đỗ Văn Hải: "Chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi”

Thanh Xuân - Hải Phong 04/06/2018 08:30 GMT+7
Dân Việt đã có cuộc trao đổi cởi mở và thẳng thắn với kỹ sư Đỗ Văn Hải - người được biết đến với hành trình trường kỳ 27 năm chống lại tiêu cực trong ngành dầu khí. Bản thân ông Hải đã phải trả những giá rất đắt trong suốt “cuộc chiến” đầy cam go và không cân sức này.

img

Ai có lương tâm, trách nhiệm đều thấy đau xót

Thưa ông, được biết ngày 31.5, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) đã có buổi gặp và đối thoại với ông về những vấn đề ông khiếu nại. Ông có thể cho biết kết quả cuộc gặp đó ra sao?

-  Ngày 11.5, tôi có gửi Đơn đề nghị (lần 2) cho đồng chí Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư với nội dung: Ngày 22.1.2018, bằng công văn số 2378-CV/UBKTTW, UBKTTƯ đã chuyển tới Ban cán sự đảng Viện VKSNDTC đơn tố cáo, trong đó đề nghị xem xét vụ án oan sai liên quan đến ông Đỗ Văn Hải để xem xét, giải quyết theo quy định và thông báo về UBKTTW.

Đến hôm nay đã quá thời hiệu 03 tháng giải quyết đơn thư theo quy định của Luật Tố cáo, nhưng VKSNDTC vẫn chưa có trả lời. Liên quan tới vụ án oan sai của tôi có trách nhiệm của hai ông thuộc diện quản lý của Ban Bí thư, một ông là lãnh đạo của Viện KSNDTC, người ký quyết định lệnh tạm giam số 58/VKSTC-V1A ngày 3.6.2011, quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can số 87/VKSTC-V1A ngày 3.6.2011 và một ông là lãnh đạo Bộ Công an, người ký quyết định khởi tố bị can số 631/C44 ngày 3.6.2011, quyết định lệnh tạm giam số 632/C44 ngày 3.6.2011 đối với tôi.

Tôi đã đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ đạo Ủy ban xem xét hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, bắt và giam giữ người trái pháp luật của hai ông trên khi bắt tạm giam tôi năm 2011, minh oan và khôi phục mọi quyền lợi hợp pháp cho tôi. 

Do vậy, ngày 31.5, Viện KSNDTC đã có buổi đối thoại với tôi theo công văn chuyển của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ). Cuộc gặp do ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện KSNDTC chủ trì để giải quyết hai nội dung này.

Nhưng buồn là sau cuộc gặp này tôi nhận thấy: Trong biên bản có ghi nội dung tôi xin rút nội dung khiếu nại. Nhưng sự thật là: Viện KSNDTC viện dẫn không trả lời đơn kêu oan của tôi gửi năm 2014 là vì có quy định tại điều 328 Bộ luật TTHS 2003, chỉ giải quyết trong vòng 15 ngày sau khi có quyết định đình chỉ vụ án của Viện KSTC.

Theo tôi, việc Viện KSNDTC không trả lời đơn này bằng văn bản là vi phạm Luật Khiếu nại. Tôi không có một lời nào nói là xin rút nội dung khiếu nại cả.

Tôi đã đề nghị Viện KSNDTC khẩn trương làm báo cáo gửi cho UBKTTƯ và cho cá nhân tôi. Đồng thời, ngày 1.6, tôi cũng đã gửi đơn tới Viện KSNDTC và UBKTTƯ để khiếu nại nội dung trên. Ngoài ra, có một chi tiết, cuối buổi họp biên bản không được đọc lại cho mọi người nghe.

img

Như vậy, rõ ràng hành trình đòi trả lại danh dự của ông vẫn còn rất dài phía trước. Ông đã bắt đầu phát hiện và tố cáo những tiêu cực trong ngành dầu khí từ khi nào?

- Tôi nhớ 27 năm trước, khoảng năm 1991, tôi đã tố cáo cán bộ phụ trách tổ chức của Vietsovpetro ăn hối lộ từ 5-7 cây vàng cho 1 suất làm việc ở Vietsovpetro. Tổng cục Dầu khí khi đó đã xem xét, giải quyết, buộc phải thuyên chuyển ông này sang 1 vị trí khác.

Tới năm 1998-2001, tôi cũng đã thu thập tài liệu, chụp hình gửi cho nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về những vụ việc vi phạm pháp luật ở 2 dự án. Đó là dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm và dự án đường ống, kho cảng khí hoá lỏng Thị Vải.

"Trong suốt thời gian đấu tranh chống tiêu cực, tôi không được kết nạp vào Đảng, không được có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp trong khi bạn bè học cùng trang lứa với tôi đều thành đạt cả"...

Ngày 5.5.2002, tôi lại làm đơn tố cáo gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sau khi nhận được lá đơn, tôi đã được Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Đảng uỷ khối cơ quan Kinh tế T.Ư mời tới làm việc.

Còn Thanh tra Nhà nước, theo nội dung đơn của tôi, đã đưa 2 dự án (dự án 2 triệu m3 khí/ngày đêm và dự án đường ống kho cảng Thị Vải) vào chương trình thanh tra do ông Lương Cao Khải làm trưởng đoàn.

Chọn đấu tranh với tiêu cực là chọn con đường chông gai và đơn độc, chắc hẳn ông biết rõ điều đó. Vậy tại sao ông vẫn quyết làm, nhất là đấu tranh với tiêu cực trong ngành dầu khí?

- Tôi hiểu rằng, ngành dầu khí có một vị trí, một sứ mệnh rất quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhiều nước trên thế giới nhờ có dầu khí mà trở nên giầu có.

Nhưng dầu khí là tài nguyên quý giá của toàn dân, trữ lượng không phải là vô hạn, nên những người quản lý ngành này càng phải có trách nhiệm cao hơn cả về ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa chính trị. Khi phát hiện những sai phạm trong ngành này, tôi nghĩ bất cứ ai có lương tâm và trách nhiệm đều thấy đau xót như tôi.

img

Chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống, lại được đào tạo bài bản, ông hoàn toàn có thể chọn cách im lặng để có được những cơ hội tiến thân trong sự nghiệp? 

- Bố tôi, ông Đỗ Khiêm, từ trong kháng chiến đã hoạt động ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Việt Bắc. Năm 1956, bố tôi làm Chánh văn phòng trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1960 ông làm lãnh đạo trường Đại học Kinh Tài (nay là trường Đại học Kinh tế Quốc dân), tiếp đó chuyển về làm ở Viện Cải cách giáo dục Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Tôi rất tự hào có một người cha đã suốt đời cống hiến, phục vụ cho Đảng, cho nhân dân.

"Tôi cảm thấy cô đơn ở một số nơi tôi đến đề nghị xem xét, giải quyết theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Có người hoặc đùn đẩy, im lặng, hoặc giải quyết không đúng bản chất của sự việc, thậm chí có khi còn có những lời đe doạ...".

Có lẽ chính vì niềm tự hào đó, tôi thấy mình không thể chọn cách im lặng trước những tiêu cực, sai phạm. Những người vi phạm pháp luật đa phần là những người có chức có quyền, là những đảng viên cốt cán.

Tôi rất buồn, thậm chí phẫn nộ khi thấy họ vừa lớn tiếng dạy dỗ lên lớp người khác, ức hiếp cấp dưới, mặt khác lại vừa thực hiện những hành vi tiêu cực, sai trái. Đó không khác gì trò “vừa ăn cướp, vừa la làng”. 

Đã khi nào ông cảm thấy mệt mỏi hoặc muốn buông xuôi trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực của mình không?

- Chưa bao giờ tôi có ý định buông xuôi hay mỏi mệt trong suốt 27 năm qua. Thực sự, tôi chỉ thấy mệt mỏi vì phải luôn đau đáu tìm cách để việc đấu tranh, chống tiêu cực của tôi đạt được hiệu quả cao nhất. Và tôi đã tìm tới báo chí...

Kỉ niệm nào đáng nhớ nhất với ông trong suốt hành trình đấu tranh chống lại tiêu cực, sai trái của ngành dầu khí 27 năm qua? 

- Tôi nhớ mãi lần tôi được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại số 65 Phan Đình Phùng. Nguyên Tổng Bí thư đã tiếp tôi ở trên tầng 2 trong vòng khoảng 20 phút. Ông đã hỏi thăm sức khoẻ, công việc và động viên tôi kiên trì đấu tranh chống tiêu cực.

Khi đó, tôi như được cảm thấy vững lòng hơn trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực và như được tiếp thêm sức mạnh, bản lĩnh để bước tiếp con đường của mình.

Ông đã bao giờ thấy mình cô đơn trong cuộc chiến này, đã lúc nào ông lo sợ sẽ bị trả thù?

- Tôi cảm thấy cô đơn ở một số nơi tôi đến để đề nghị xem xét, giải quyết theo luật khiếu nại tố cáo. Có người hoặc đùn đẩy, im lặng, hoặc giải quyết không đúng bản chất của sự việc, thậm chí có khi còn có những lời đe doạ...

Tôi không bao giờ sợ, mà chỉ cảnh giác đề phòng khi bị trả thù. Để phòng tránh, tôi không đi lung tung hoặc về nhà quá muộn. Có nguyên tắc là khi đi đứng phải cẩn thận, luôn quan sát, nhìn xung quanh. Báo cho bạn bè thân đang làm việc trong ngành công an biết rõ những việc mình đang làm, để bạn bè có thể bảo vệ khi cần thiết.

Cuộc sống của ông và gia đình trong những năm qua bị ảnh hưởng thế nào?

- Nói chung phần thiệt thòi luôn thuộc về người tố cáo kể cả kết quả đúng hay sai. Đúng như câu người ta thường nói “đấu tranh, tránh đâu”. Tôi đã 2 lần phải ra tòa kiện vụ án về tranh chấp lao động.

Trong suốt thời gian đấu tranh chống tiêu cực, tôi không được kết nạp vào Đảng, không được có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp trong khi bạn bè học cùng trang lứa với tôi đều thành đạt hết. Người làm Ủy viên Hội đồng thành viên PVN, người thì lên Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc các đơn vị trong ngành dầu khí…

Về cuộc sống gia đình, tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tôi lấy vợ khá muộn (năm 42 tuổi mới lập gia đình) cũng do cuộc sống không được ổn định. Tôi cũng đã bị mất việc. Khi đó, tôi và gia đình rơi vào cảnh nghèo túng, phải trông cậy vào sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè …

Khi ông quyết định đứng ra đấu tranh với những sai trái, tiêu cực, người thân trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp nói với ông những gì?

- Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ tôi trong việc tôi tố cáo tiêu cực. Họ chỉ khuyên tôi nếu muốn tố cáo thì phải có đầy đủ bằng chứng. Tất nhiên gia đình cũng lo lắng khi tôi gặp phải trường hợp những kẻ tiểu nhân trả thù.

Tôi cũng khuyên gia đình hãy yên tâm, vì tôi đã có biện pháp đề phòng. Không những ủng hộ về tinh thần, người thân, gia đình, bạn bè còn ủng hộ cả vật chất. Họ động viên và sẵn sàng cho vay mượn tiền khi tôi túng bấn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!