Liên quan tới vụ việc Công ty cổ phần Trung Đô mới chỉ được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã tự ý san phẳng 32ha rừng của dân, khi Dân Việt vào cuộc phản ánh, huyện đình chỉ nhưng công ty này vẫn thách thức dư luận, vờ “án binh bất động” vào ban ngày, lén lút đào đất quy mô lớn, xây dựng vào ban đêm khiến dư luận phẫn nộ, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - đã lên tiếng.
TS Phạm Sỹ Liêm. Ảnh: Dân Việt
TS Phạm Sỹ Liêm phân tích với Dân Việt: “Ngày 9.1.2018, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau hội nghị về vật liệu xây dựng với các bộ ngành, có cả lãnh đạo tỉnh Nghệ An tại đó, truyền đạt chỉ đạo rất rõ “dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; kiểm soát đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường”. Như vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Trung Đô (Quyết định số 656/QĐ.UBND ngày 13.2.2018 - PV) xây khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng với 2 dây chuyền sản xuất gạch tuynel đất đồi là vượt quyền".
“Cần phải hiểu thế này, khi Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo cụ thể, nếu có trường hợp dự án nào đặc biệt, chủ tịch UBND các tỉnh phải xin ý kiến Thủ tướng chứ không thể tự quyết đơn phương như vậy. Chả nhẽ ông chủ tịch tỉnh to hơn cả Thủ tướng?” - TS Phạm Sỹ Liêm nói.
“Sản xuất gạch nung từ nguồn đất sét là tàn phá tài nguyên, hủy hoại môi trường. Một dây chuyền sản xuất gạch nung khiến những ruộng lúa của dân xung quanh héo quắt, chết, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, liệu hai nhà máy thì nguy hiểm cỡ nào” - TS Liêm nói.
Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Trung Đô với dự án trị giá 1.025 tỷ đồng.
TS Phạm Sỹ Liêm khẳng định: "Chấp thuận chủ trương đầu tư được hiểu là gì? Là coi như chưa có gì trong tay, xem như chưa có gì. Chấp thuận chủ trương đầu tư mới chỉ là cho phép nghiên cứu đầu tư dự án. Một dự án mới chấp thuận chủ trương đầu tư mà đã san lấp, đào đất, xây dựng là làm liều, quá bát nháo, không tuân thủ trình tự, quy định, thủ tục nào cả. Nhà nước đặt ra quy định làm gì? Các bộ, ngành có quy định làm gì? Tỉnh nào cũng làm như Nghệ An có mà loạn về đầu tư xây dựng à?".
“Ngay cả khâu lập dự án, đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội... không phải cứ thích là thuê đơn vị nào cũng được mà phải chọn đơn vị có uy tín. Rất nhiều trường hợp, dự án xây dựng được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng khi đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội không đạt, không được phê duyệt đầu tư thì cũng phải hủy bỏ” - TS Phạm Sỹ Liêm thông tin.
Khi bị đình chỉ, Công ty Trung Đô huy động tổng lực máy móc vào đào đất vào ban đêm. Ảnh: Dân Việt
Cuối cùng, TS Phạm Sỹ Liêm đặt dấu hỏi: “Một dự án lớn thế sao phải vội vàng ký chấp thuận chủ trương đầu tư khi chỉ đạo của Chính phủ đã rõ như vậy: “Dừng đầu tư mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung”. Ký chấp thuận chủ trương đầu tư như thế là quá hấp tấp, vội vàng. Hay là phía Công ty Trung Đô này “cậy” có ai chống lưng hay là đã "bôi trơn" gì đó nên mới ngang nhiên cho máy móc vào đào xới, xây dựng, làm liều, thách thức dư luận. Tôi nói thẳng: Dự án này của Công ty Trung Đô mình ông Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An không quyết được. Dự án này hơn 1.000 tỷ chứ có phải ít đâu, ảnh hưởng môi trường rất lớn. Dự án này phải trình xin ý kiến Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xin ý kiến người dân có ủng hộ hay không. Nếu không được ủng hộ thì phải dừng”.
Trước đó, như Dân Việt đã thông tin, Công ty cổ phần Trung Đô dù mới chỉ được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng đã kéo máy móc, xe đào, xe xúc, xe tải... vào san bằng cả 32ha rừng của dân. Khi Dân Việt vào cuộc phản ánh, công ty này vội vàng giả vờ tạm dừng rồi chuyển sang đào đất vào ban đêm khiến dư luận phẫn nộ.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này...
“Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Trước khi cấp phép các dự án đầu tư sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu phải lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng theo quy định; rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; dừng đầu tư mới đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung; kiểm soát đầu tư phát triển vật liệu xây dựng đảm bảo phát triển bền vững, đặc biệt sản xuất gạch đất sét nung và các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường...” - thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ngày 9.1.2018. |