Đây là câu chuyện của anh Quân - năm nay 36 tuổi, một người có “H” tại quận Đống Đa, Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi - PV).
Bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại BV 09 (Thanh Trì, Hà Nội) |
Anh là 1 trong số 307 người có “H” được nhóm chuyên gia của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) phỏng vấn về những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống của người có HIV, đặc biệt là việc người có HIV nhưng đang chung sống vợ/chồng âm tính với HIV.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy nỗi sợ hãi lớn nhất của người bệnh HIV là sợ bị người thân, vợ con bỏ rơi trong những ngày tháng khó khăn nhất khi phải đối diện với bệnh tật (nỗi sợ này còn lớn hơn cả nỗi sợ bị cộng đồng kỳ thị, cô lập).
Anh Quân biết mình nhiễm HIV từ 2 năm nay sau một thời gian khá dài tiêm chích ma túy. Biết mình nhiễm bệnh, anh như biến thành con người khác: Thô lỗ, cục cằn, chửi bởi suốt cả ngày và rơi vào trạng thái cực đoan khủng khiếp. Người chịu đựng anh nhiều nhất trong suốt những ngày tháng qua là vợ anh – chị Thu (tên nhân vật đã được thay đổi – PV).
Dù chồng hút chích, rồi sau đó là bị nhiễm HIV, chị Thu vẫn rất yêu và thương chồng. 2 đứa con may mắn không nhiễm HIV là niềm an ủi, động viên lớn của chị và là lý do để chị gắn kết với anh nhiều hơn nữa.
Khi biết anh nhiễm HIV, nhiều bạn bè, người thân nhìn anh Quân bằng ánh mắt ái ngại. Họ thầm bảo nhau rằng chị Thu sẽ chẳng mấy chốc mà ly dị anh, hoặc cứ thế mang con bỏ đi để thoát khỏi cảnh chung sống với một người chồng, người cha nhiễm HIV bị họ hàng, láng giềng kỳ thị, soi mói.
Nhưng chị Thu vẫn một lòng một dạ với chồng. Chị sẵn sàng làm việc vất vả để chồng có tiền mua thuốc điều trị. Chị và hai đứa con là những niềm an ủi duy nhất, chỗ bấu víu cuối cùng của anh Quân.
Những nỗ lực, hi sinh, chịu đựng của chị Thu, anh Quân hiểu hết. Trong những lúc tỉnh táo, không bị bệnh tật ám ảnh, hành hạ, anh Quân có lúc còn rơi nước mắt vì thương vợ. Nhưng những thời khắc anh “hiền lành” như vậy rất hiếm hoi. Nỗi ám ảnh về cái chết thúc đang đến gần khiến anh càng suy nghĩ đến việc làm sao để giữ được vợ con bên mình.
“Có những lúc hai vợ chồng đang nằm cạnh nhau nói chuyện rất tình cảm. Bỗng dưng anh ấy như lên cơn, anh ấy nổi ghen với tôi vì khăng khăng cho rằng không ai chịu quan hệ với một người đã có HIV, kể cả là vợ chồng.
Vì thế anh ấy cho rằng tôi ngoại tình và tin rằng đó là sự thật. Tôi có thanh minh thế nào anh cũng gạt phăng đi. Anh còn nói nếu mai anh ấy chết đi, anh ấy sẽ chống mắt lên để nhìn vợ, để vợ không thể nào bỏ con mà đi với thằng đàn ông khác”, chị Thu ngậm ngùi chia sẻ với các chuyên gia nghiên cứu.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này cho hay: “Nỗi sợ bị bạn tình, bị vợ bỏ rơi là nỗi sợ lớn nhất của người nhiễm HIV. Đối với họ, bạn tình hoặc vợ có vai trò đặc biệt quan trọng để san sẻ những mất mát, tổn thương. Nếu mất đi chỗ dựa này, họ mất phương hướng”.
Theo bà Oanh, trên thực tế, có lẽ những người có HIV đã được chứng kiến (trực tiếp hoặc gián tiếp) cảnh ngộ của những người “cùng cảnh ngộ”, khi mà cuối đời họ được đưa vào bệnh viện chuyên dành cho bệnh nhân HIV/AIDS và phải tự vượt qua những thử thách hết sức khó khăn (cả về thể xác lẫn tinh thần).
Đã có nhiều người bệnh HIV bị bỏ rơi, gia đình ngoảnh mặt, thậm chí đến khi chết cũng không được người thân nhận xác về. Những sự thực ấy khiến họ càng thêm sợ hãi rằng sẽ có ngày mình sẽ bị bỏ rơi, sẽ chết trong lạnh lẽo ý như thế …
Bắt vợ phải nhiễm bệnh cùng để không bị bỏ rơi
Đối với anh Quân nỗi sợ hãi ấy ngày một lớn và chuyển sang trạng thái cực đoan khác. Từ nỗi sợ hãi ấy, bạo lực gia đình đã ra đời.
“Anh ấy cố tình muốn làm cho tôi nhiễm để tôi không còn cơ hội lựa chọn cho tương lai của mình. Anh ấy sợ tôi bỏ anh ấy, sau này anh ấy chết rồi thì tôi sẽ bỏ con, bỏ bố mẹ, gia đình anh ấy để đi với người khác nên anh ấy làm thế”, chị Thu kể với nhóm chuyên gia. Cách mà anh Quân dùng là nhất định không sử dụng bao cao su khi quan hệ với vợ.
Để đối phó lại với cách thức cực đoan mà chồng áp dụng, chị Thu đã dùng hết cách: Từ phản đối kịch liệt tới trò chuyện, tâm tình. Chị lúc nào cũng đánh vào tâm lý thương con của anh Quân để anh kiềm chế được sự cùng quẫn. Thế nhưng cách này chẳng ăn thua đối với một người chẳng còn gì để mất như anh Quân.
“Theo tôi biết thì cuối cùng người vợ này cũng đã nhiễm HIV như người chồng”, bà Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ. Theo bà Oanh, đây là một câu chuyện buồn mà nếu không đi sâu thực hiện nghiên cứu về cuộc sống của những người có HIV thì bà không thể tưởng tượng được.
Hành động của anh Quân có thể nói là khó có thể thông cảm được nhưng đứng từ góc độ tâm lý để phân tích, nhìn nhận thì bà Oanh lại cho rằng nó hợp với logic tâm lý của người bệnh nhiễm HIV.
Bà Khuất Hải Oanh cho biết trong số 307 bệnh nhân được hỏi (kể cả vợ/chồng của họ) thì kết quả cho thấy cho dù bị nhiễm HIV nhưng họ vẫn có vị trí quan trọng trong cuộc sống của “một nửa” còn lại. Có đến 50% số những người vợ (âm tính với HIV) được hỏi cho biết họ vẫn gắn bó với người chồng dương tính của mình vì đó là người mà họ yêu thương nhất.
Ngày nay, với những kiến thức về sức khỏe tình dục được phổ biến rộng rãi, những cặp vợ chồng âm tính – dương tính vẫn có thể sinh họat tình dục an toàn (có 85% số người được hỏi cho biết họ sử dụng biện pháp tránh thai và 98% cho biết họ dùng bao cao su khi quan hệ với người nhiễm HIV).