Dân Việt

Sốt đất "ảo" ở 3 đặc khu: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì?

Thiên Hương 04/06/2018 18:52 GMT+7
Tiếp tục trả lời chất vấn ĐBQH chiều nay 4.6, trong đó có vấn đề sốt đất tại 3 khu vực dự định sẽ trở thành đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng, hệ quả khó lường chính là ở việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất đặc dụng. Nhưng việc ngăn chặn bằng cách “đóng băng” mọi giao dịch theo quyết định hành chính thì... không phù hợp pháp luật.

Giao quá nhiều đất ven biển cho nhà đầu tư, dân mất sinh kế

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt câu hỏi về tình trạng tố cáo về đất đai chiếm tới 70%, gây ảnh hưởng lớn tới xã hội. Thứ hai nữa là hiện các doanh nghiệp đang được giao đất ven biển làm mất sinh kế, đất đai của dân. Đề nghị Bộ trưởng giải thích vấn đề này.

img

Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu câu hỏi chất vấn (ảnh: Dantri)

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho rằng câu chuyện khiếu nại đất đai không phải bây giờ mới bức xúc, mà có những khiếu nại đã kéo dài 30-40 năm đến giờ vẫn nhức nhối.

Về câu hỏi giao quá nhiều đất cho nhà đầu tư ven biển khiến dân mất sinh kế, Bộ trưởng nói rằng Đà Nẵng là địa phương nóng bỏng nhất, có hiện tượng "quây bờ biển". Vừa qua Thành uỷ, HĐND thành phố Đà Nẵng đã giải quyết rốt ráo việc này. Nguyên lý áp dụng là tạo hành lang từ 100m sát bờ biển trở ra không được đầu tư xây dựng. Việc xử lý như Đà Nẵng để lập lại trật tự là cần thiết.

"Bờ biển là của chung, không phải sở hữu của tổ chức nào. Quan điểm của bộ là cần chấn chỉnh và lập lại quy hoạch", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Nhìn thấy quy luật sốt đất nhưng... bó tay?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhắc bộ trưởng Trần Hồng Hà câu hỏi về tình trạng sốt đất tại 3 khu vực sắp hình thành đặc khu, có hiện tượng đầu cơ. Trước đó, ở phần 1 phiên chất vấn, ông Trí bày tỏ lo lắng việc thị trường đất đai tại 3 địa phương sắp trở thành đặc khu kinh tế sẽ nóng lên, Bộ có biện pháp gì không?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói câu hỏi này rất hay nhưng rất tiếc ông lại... quên mất chưa trả lời. Tiếp đó, Bộ trưởng Hà nói quy luật là khi có tầm nhìn, đầu tư vào tương lai thì thị trường sẽ nóng lên. “Lỗi” của nhà nước ở đây là nhìn thấy quy luật đó nhưng lại chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này.

Bộ trưởng cho biết, từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự mà dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán “ngầm” vẫn diễn ra.

img

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh: Quang Vinh

“Tôi kiến nghị luôn là việc ra chỉ thị ngừng giao dịch đất đai tại 3 đặc khu sắp hình thành là không phù hợp pháp luật hiện nay. Đề nghị Quốc hội cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu thì hiệu quả hơn” - Bộ trưởng nói. 

Theo Bộ trưởng, đáng lo ngại hơn cả là các giao dịch ngầm trong việc chuyển đổi đất rừng trái phép ở ba khu vực sắp hình thành đặc khu diễn ra rất nhiều, nhưng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Các địa phương phải xem lại hiện trạng quản lý đất đai để đền bù đúng đối tượng, tránh đầu cơ, cũng như cảnh báo, kiên quyết xử lý những giao dịch ngầm trái pháp luật trong giai đoạn "nhập nhoạng" như vừa qua. 

Nước ta không còn đất để chôn lấp rác

Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu câu hỏi: Khảo sát ở một số địa phương cho thấy tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng tinh vi, phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Xin hỏi quan điểm của bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và định hướng chỉ đạo thanh tra, kiểm tra của bộ trưởng trong thời gian tới?

Bên cạnh đó, một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu phế liệu đưa chất thải nguy hại vào Việt Nam. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp về vấn đề này?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Nếu chỉ nói biện pháp thanh tra, kiểm tra không xuể, trên thực tế chúng ta không đủ năng lực. Để giải quyết chúng ta cần phân loại dự án, đưa các quy định đầu tư để ngay từ đầu dự án là thân thiện, công nghệ cao và chúng ta phải làm tốt khâu phòng ngừa trước. Thứ hai là phải khoanh vùng các dự án nguy cơ ô nhiễm; cải tiến phương thức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.

Cần tăng cường chế tài hơn, đặc biệt trường hợp xả thải ra môi trường vượt quá quy định nguy hiểm đến đời sống người dân thì phải có biện pháp đình chỉ hoạt động. Áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm trả tiền nhưng nhà máy gây ô nhiễm phải chịu các dịch vụ của đơn vị xử lý.

Nhiều nước láng giềng hiện đã nói không với nhập khẩu phế liệu. Mặc dù chúng ta đã có nhiều quy định để kiểm soát phế liệu nhập khẩu nhưng thực tế còn rất nhiều con đường để phế liệu ô nhiễm về đất nước ta. Vì thế tôi nghĩ chúng ta phải có lộ trình lựa chọn phế liệu nào có ý nghĩa cho quá trình sản xuất, còn phế liệu có nguy cơ ô nhiễm phải nói không.

"Tôi rất đồng tình việc trong luật sắp tới cần có quy định cụ thể hơn về quản lý phế liệu nhập khẩu. Trước đây có lúc chúng ta mở vì có nhu cầu phát triển kinh tế nhưng giờ thấy ô nhiễm như thế này, chúng ta cũng không thể chấp nhận sử dụng công nghệ ô nhiễm có chất thải nguy hại" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Tiếp đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, hiện Việt Nam không còn đất để tiếp tục chôn rác mà phải thay vào đó phải tái sử dụng rác thành các sản phẩm như phân vi sinh, biến rác thành năng lượng...

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong nửa buổi chiều, Bộ trưởng TNMT nhận được 18 câu hỏi và 8 tranh luận cùng 47 đại biểu khác đang chờ đặt câu hỏi. Bộ trưởng Trần Hồng Hà sẽ tiếp tục trả lời vào sáng mai, 5/6.