Dân Việt

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Hồi ức của một cựu binh quân y

Xuân Tư 05/06/2018 17:34 GMT+7
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, có một lực lượng luôn trực chiến trên chiến trường, vừa điều trị thương binh, vừa tham gia chiến đấu. Đó là lực lượng Quân y đường hầm. Lực lượng này đã góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng của quân và dân ta trước thực dân Pháp hùng mạnh để có được Điện Biên như hôm nay.

img

Cứu chữa thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, không khí hào hùng vẫn còn in đậm trên lòng chảo Điện Biên Phủ sau 62 năm ngày chiến thắng. Chúng tôi may mắn được gặp cụ Bùi Văn Đáp, ở phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Đáp là y tá trưởng phụ trách Khu Trung thương - Đội điều trị ĐT3, trực tiếp tham gia điều trị các chiến sĩ bị thương. Năm nay vừa tròn 90 tuổi, cụ là người lính quân y đường hầm duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn ở lại trên mảnh đất Điện Biên.

Quân y đường hầm

Năm 1947, cũng như bao chàng trai, cô gái khác trên khắp các miền quê Việt Nam, chàng trai trẻ Bùi Văn Đáp từ giã quê hương Phú Thọ lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, đóng quân ở Lào Cai. Đến năm 1949, cụ được cử đi học y tá. Đầu năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ của quân đội ta bắt đầu mở ra, cụ Đáp cùng đồng đội lên Điện Biên làm công tác quân y đường hầm, phục vụ chiến đấu.

Cựu chiến binh Bùi Văn Đáp nhớ lại: "Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội điều trị ĐT3 chia ra làm 3 khu là Khu Khinh thương nằm trên mặt đất, khu Trung thương và khu Trọng thương nằm sát nhà mổ. Tôi là y tá trưởng phụ trách khu Trung thương, điều trị, khám xét, cắt lọc, rửa vết thương. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ 2 giờ chiều, tôi phải làm danh sách chuyển thương binh từ đây về tuyến sau.

Đến 5 giờ chiều lại nhận thương binh ở mặt trận về và chuyển thương binh ở đây về tuyến sau. Trung bình trong 1 đêm khoảng 100 thương binh được chuyển vào khu để điều trị. Đường hầm do công binh làm, đường đi rộng 1,2m để cho người đi lại. Hai bên đường đào hàm ếch, cách nhau khoảng 3m có 1 hàm ếch để cho thương binh nằm".

Quân y đường hầm là lực lượng vô cùng quan trọng, phải chịu nhiều gian khổ trong suốt thời gian chiến dịch diễn ra. Khi đó, các chiến sĩ quân y dường như phải có mặt 24/24h ở các bệnh viện dã chiến được dựng lên ngay tại các đường hầm chiến đấu. Ngoài việc điều trị vết thương, họ còn phải túc trực bên cạnh thương binh tại các hàm ếch để động viên, thậm chí nhiều khi phải làm chỗ dựa cho các thương binh bị chấn thương, khó thở khiến thời gian chăm sóc cho bản thân gần như không còn.

Chia sẻ về những khó khăn trong năm tháng ấy, cụ Đáp nhớ lại: "Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5.1954, trời mưa nhiều, đường lầy lội, nhếch nhác. Các thương binh được chuyển về đến nơi là các hộ lý phải rửa vết thương cho thương binh sạch sẽ, sau đó chúng tôi mới bắt đầu công tác cứu thương. Bởi vậy, không những chúng tôi mà lực lượng dân công giúp đỡ cũng rất vất vả. Khi ấy, bệnh nhân thì nhiều mà lực lượng quân y lúc đó của chúng tôi chỉ có khoảng 50 người, bởi vậy phải có cả trăm dân công phục vụ thương binh thì việc chữa trị mới làm tốt được".

Hồi ức lịch sử

Cho đến bây giờ, khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, những hình ảnh các chiến sĩ hi sinh vẫn còn ám ảnh trong tâm trí cụ Bùi Văn Đáp. Cụ bồi hồi nhớ lại: "Tôi nhớ có một bệnh nhân nữ đã được mổ vết thương lồng ngực ở khu trọng thương và chuyển sang khu trung thương của chúng tôi vì bên kia chật quá, hưng sang đây, bệnh nhân vẫn rất khó thở mà lại không còn thuốc.

Đêm ấy chúng tôi phải có 5 người ngồi thay nhau cho bệnh nhân này dựa vào, tay giữ cho vai của bệnh nhân thẳng đứng cho dễ thở. Cuối cùng chúng tôi vẫn không cứu được. Hàng ngày, chứng kiến nhiều người ra đi, chúng tôi chỉ thấy xót xa vì trong điều kiện chiến tranh, không có đủ thuốc men, thiết bị để cứu chữa bệnh nhân trong khi những vết thương từ chiến trường quá nặng".

"Trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch, cả ngày lẫn đêm hầu như không có giấc ngủ nào thoải mái. Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng mới dám ngồi chợp mắt cho đỡ mệt rồi lại tiếp tục công việc cứu chữa bệnh nhân. Sau khi kết thúc chiến dịch, cảm giác vui sướng tự hào, chỉ muốn ngủ một giấc mà không phải lo nghĩ điều gì nữa", cụ Đáp cho biết.

Sau ngày giải phóng Điện Biên, nghĩ đến những người đồng đội đã nằm lại, cụ Đáp không nỡ rời xa mảnh đất này nên cụ đã ở lại và xây dựng gia đình. Tại đây, cụ làm công tác y tá, sau đi học thêm y sĩ ở Thái Nguyên rồi lại trở về công tác tại Bệnh viện Lai Châu cũ (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên). Đến năm 1980 cụ nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia hoạt động trong các đoàn thể xã hội của phường Mường Thanh.

62 năm đi qua, quãng thời gian ấy đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh của chiến trường ngày nào, đồng thời cũng lấy dần đi những người đồng đội của cụ. Cứ mỗi độ tháng 5 về, dù tuổi già, song cụ Đáp vẫn dành nhiều thời gian cùng gia đình đến thắp hương cho những người đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ A1. Đây cũng là dịp để cụ kể cho con cháu nghe về những tháng năm hoa lửa, nhắc nhở con cháu phấn đấu xây dựng quê hương, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.