Dân Việt

Tăng lương: Ai cũng muốn nhưng lấy đâu ra tiền?

Nguyên Khôi 07/06/2018 04:55 GMT+7
Câu hỏi được nêu lên với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là khả năng cân đối ngân sách để cải cách tiền lương hiện ra sao? Việc tăng lương có làm tăng trần nợ công và làm sao để kìm chế giá cả sinh hoạt nếu lương tăng?

Những câu hỏi này đã được đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, đoàn Thanh Hóa nêu lên với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6/6 tại phiên chất vấn tại Quốc hội.

Thừa nhận đây là vấn đề được quan tâm, Phó Thủ tướng cho rằng, dư luận đã phấn khởi khi Trung ương ban hành nghị quyết cải cách tiền lương. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận, dư luận lại nêu lên vấn đề bây giờ tăng lương như thế nào và lấy đâu ra tiền tăng lương.

img

Câu hỏi đặt ra là ngân sách có thể cân đối cho công tác cải cách tiền lương sắp tới?

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp tiền đề là xác định được vị trí việc làm, từ đó thiết kế chính sách tiền lương trên cơ sở chức danh, chức vụ.

Vấn đề khác theo ông là quyết liệt tinh giản biên chế và bộ máy để giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Giải pháp nữa cần đặt ra là triệt để tiết kiệm chi tiêu, tăng thu từ phát triển sản xuất. Một trong những nguồn đã được tính tới theo Phó Thủ tướng là tăng thu từ ngân sách địa phương. Quy định trước đây có nêu việc 50% nguồn tăng thu của ngân sách địa phương được dành cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng khẳng định Trung ương đã quyết định dành 70% nguồn tăng thu này cho chính sách tiền lương.

Ngoài ra, ông cho rằng, trước đây không hề có quy định tăng thu ngân sách Trung ương dành cho chính sách tiền lương nhưng hiện tại, nghị quyết Trung ương đã nêu rõ, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.   

Trước đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở sẽ chính thức điều chỉnh tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tức tăng 90.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, dài hơi hơn, theo Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW, chính sách tiền lương sẽ có nhiều thay đổi. Mục tiêu là thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (không phải là nhu cầu sống tối thiểu như hiện hành).

Theo phương án cải cách chính sách tiền lương, từ năm 2021 sẽ bãi bỏ lương cơ sở và áp dụng các bảng lương theo các đối tượng công chức, viên chức khác nhau.