Những đứa trẻ bị… lãng quên
Vượt 15km đường đất đỏ bụi mù, men theo đường mòn của Vườn quốc gia Yok Đôn, tôi gặp lều của Lý Seo Xì (sinh năm 1990) dựng ở đầu tiểu khu 286, xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk). Vợ Xì là Tráng Thị Tòng, năm nay vợ bao nhiêu tuổi Xì cũng không nhớ nổi nữa. Vợ chồng Xì về đây đã nửa năm, họ dựng một căn lều để ở tạm. Lều chỉ được quây xung quanh bằng tôn, nền nhà vẫn lởm chởm những rễ cây - dấu tích của rừng sót lại. Đứa con gái của Xì là Lý Thị Hoa (18 tháng tuổi) bé tẹo teo, người lấm đầy đất đang bò lổm ngổm dưới nền nhà. Tay bé Hoa đen xì và nứt toác ra như bị cháy xém.
Lí Seo Xì bế con gái có bàn tay bị thương. Ảnh: G.T
"Chúng tôi mong có trường cho bọn trẻ lắm. Không có trường thì chúng nó lại thất học như chúng tôi, cứ lớn lên tự nhiên như cây cỏ, đời chỉ có biết những mùa rẫy và nai lưng đi làm thuê thôi”. Cụ Lý Seo Cồ |
Xì bế con lên, vừa dỗ dành vừa giải thích về cái tay đau của nó cho tôi nghe: “Nó chơi không may bị bỏng nước sôi 4 hôm trước. Tôi cũng mua thuốc tự bôi thôi”. Nhìn vết thương của đứa trẻ 18 tháng tuổi đang rỉ nước, có chỗ đóng mảng đen xì, tôi xót xa hỏi: “Không sợ bị nhiễm trùng à?”. Xì thản nhiên đáp: “Để vài hôm sẽ khỏi thôi. Nhà xa bệnh viện quá, không đưa đi được”.
Không biết lời nói của Xì có đúng không, nhưng thỉnh thoảng ông bố này lại phải lấy tay xua đám ruồi đang tìm đến chỗ vết thương của cô con gái kiếm ăn. Còn đứa bé chưa được 10kg thì chốc chốc lại khóc ré lên vì vết thương đau nhức.
Cách nhà Xì khoảng 500m đường là nhà của cụ ông Lý Seo Cồ (78 tuổi). Cụ Cồ cũng có mặt ở Tây Nguyên được 11 năm, trước kia, cụ ở xã M'đrăk (huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) cách đây khoảng 160km. Đến nhà, chỉ thấy cụ Cồ và gần chục đứa cháu đang quây với nhau xem phim từ một bộ đầu đĩa cũ kỹ với cái màn hình bé tí tẹo. Nhìn đám cháu của cụ Cồ, nhiều đứa đang độ tuổi đến trường. Khi được hỏi vì sao không cho các cháu đi học, cụ Cồ chỉ lắc đầu: “Trước kia ở bên huyện Krông Păk, bọn nó cũng được đến trường, nhưng sang đây chưa xin đi học được vì trường của xã cách nhà gần 20km. Trường xa quá, bọn trẻ lại chưa quen ai mà dám cho đi. Chính vì vậy, đành cho chúng nó ở nhà chơi thôi. Vài năm nữa, lớn lên tí thì đi làm rẫy với bố mẹ, rồi lớn tí nữa thì lấy vợ lấy chồng là xong”.
Cô bé Lý Thị Trà (14 tuổi) đang học dở lớp 5 tại nơi ở cũ thì phải bỏ học để theo bố mẹ về Ea Súp. Không còn được đến trường, Trà buồn lắm: “Giờ cháu ở nhà bế em, cháu nhớ lớp học, nhưng vào đây xa quá, lại không quen bạn nào để ra xã học nên nghỉ ở nhà chơi thôi”.
Được biết, hơn 100 hộ dân di cư tự do vào đây đều có trẻ em đang độ tuổi đi học. Tuy nhiên, tất cả bọn trẻ hiện đều không được đến trường. Chúng được bố mẹ để ở nhà tự chơi, làm việc nhà hay theo bố mẹ đi làm rẫy.
Đối mặt với trộm cướp
Những ngôi nhà tạm tại tiểu khu 286. Ảnh: G.T
Trong khi những đứa trẻ phải đối mặt với tương lai… mù chữ thì những người trưởng thành ở đây hàng ngày lại phải căng mình tự chống chọi với nạn trộm cướp, để bảo vệ bình yên cho gia đình của mình.
Lý Seo Xì là một người khá nhanh nhẹn, giỏi tính toán và xoay xở nhưng từ khi đến nơi ở mới, gia đình anh đã liên tiếp gặp phải tai ương. Xì kể: “Em lên đây thấy bà con không có chỗ mua chai nước, cân muối nên nghĩ làm cái quán bên trong để ở, bên ngoài bán hàng lấy đồng ra đồng vào. Nhưng, hôm em có việc đi cả ngày, trộm đã vào nhà cậy cửa lấy hết đồ trong quán. Chúng còn bắt cả gà, cả chó, nhà cửa bị khoắng sạch không còn thứ gì”.
Tôi hỏi Xì: “Thế sao không đi báo công an hay chính quyền?” Xì trả lời nghe còn khổ hơn: “Bọn em dân di cư tự do, chính quyền còn chẳng cho ở, làm sao bọn em dám đi báo. Mất trộm thì ráng chịu thôi, chứ biết làm thế nào”. Nhìn cái quán cũng đã có nhiều đồ xếp trên giá, Xì cho biết thêm: “Vừa rồi em phải đi vay lãi 20 triệu đồng để lấy tiền cất hàng bán tiếp”. Nhưng Xì cũng thừa nhận, với tình hình buôn bán ngày càng khó khăn như hiện tại, anh cũng không biết đến bao giờ mới kiếm nổi 20 triệu đồng để trả nợ cho người ta.
Không chỉ bị trộm vặt, người dân di cư ở đây ngày ngày còn phải đối mặt với nạn cướp đất. Anh Cứ Vi Xá (26 tuổi) mới gom góp của họ hàng được 120 triệu đồng mang vào đây mua 3ha đất của ông Lê Trọng Luật (người xã Cư M’Lan). Nhưng, vừa mới dựng nhà được ít bữa, anh đã bị nhiều người lạ mặt đến dọa dẫm. Xá kể: “Họ đi 2 xe ô tô bán tải đến, còn mang kiếm. Họ tuyên bố mảnh đất mà gia đình tôi vừa mua là đất của họ. Họ yêu cầu gia đình tôi phải trả tiền không thì họ cho máy cày đến cày nát đất ra”.
Nhớ lại lúc đối mặt với nhóm người cướp đất với hung khí đến tận nhà mình, anh Xá cho biết, vì sợ quá nên anh phải dắt vợ con chạy vào núi. “Đợi đến khi nào họ bỏ đi, vợ chồng con cái mới dám kéo nhau về. Chúng tôi là dân mới đến, không dám đánh nhau với họ”. Anh Xá cũng cho biết thêm, vừa qua, bên xã Ea Bung, người dân đã xông vào chống trả lại một băng cướp đất, hậu quả là 2 người đã bị chết. Sau đó, công an phải vào cuộc can thiệp. Cũng nhờ vậy mà bọn cướp đất mới tạm yên. Tuy nhiên, anh Xá cũng không chắc chắn sự yên ổn này sẽ được duy trì đến bao giờ?