Nhà dân nứt sau khi thủy điện nổ mìn
Ngày 6.6, ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn và Môi trường Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa tiến hành xác minh phản ánh của người dân về việc thủy điện Chư Pông Krông làm nứt nhà dân. Theo ông Thông, hiện đã có 25 hộ dân tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đắk Nông) có đơn phản ánh về sự việc này.
Một nhà dân bị hư hỏng nặng sau khi thủy điện nổ mìn để thi công.
Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên ngày 5.6, đơn vị cùng các cơ quan, ban ngành liên quan (gồm đại diện: Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Krông Nô, UBND xã Quảng Phú, đơn vị chủ đầu tư - Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc và đơn vị thi công Chi nhánh 515 - Công ty Cổ phần Sông Đà 505) chỉ kiểm tra được 8 nhà.
Kết quả kiểm tra cho thấy phản ánh của người dân là có thật. Các vết nứt tại nhà dân có cả cũ và mới. Người dân cũng thừa nhận một số nhà có vết nứt cũ nhưng khi bị tác động của việc nổ mìn đã nứt nhiều hơn. Về nguyên nhân nứt, đoàn công tác nhận định có thể là do nhiều tác động. Phía đơn vị thi công và chủ đầu tư công nhận việc nổ mìn có tác động đến nhà dân.
Trên cơ sở đó, đoàn công tác đã thống nhất đề nghị đơn vị chủ đầu tư và đơn vị thi công phối hợp với chính quyền địa phương có phương án thỏa thuận với người dân, thời gian đến ngày 15.7.
Nếu sau đó, các đơn vị này không thỏa thuận được với dân thì đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ định đơn vị có chức năng về xây dựng xác định mức độ hư hại do nổ mìn để có phương án đền bù cho người dân. Hoặc đơn vị thi công thực hiện giám sát nổ mìn theo quy định để xác định mức độ rung chấn.
Có hàng chục nhà dân xuất hiện vết nứt sau khi thủy điện nổ mìn thi công.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây lắp điện Hưng Phúc (Công ty Hưng Phúc- trụ sở tại 51/16/15 Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết, nếu cơ quan chức năng xác định việc nổ mìn khiến nhà dân hư hỏng, đơn vị sẽ làm việc với đơn vị thi công đưa ra phương án đền bù thỏa đáng.
Chuyển đổi đất rừng đặc dụng để làm thủy điện
Theo tìm hiểu của PV, năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định bổ sung Dự án thủy điện Chư Pông Krông vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh sau khi Bộ Công thương có ý kiến đồng thuận.
Công trình nhà máy thủy điện Chư Pông Krông lấy một phần đất của rừng đặc dụng Nam Ka để xây dựng.
Ngay sau đó, Công ty Hưng Phúc đã xây dựng Dự án đầu tư công trình nhà máy thủy điện này. Dự án có công suất thiết kế 7,5MW, được xây dựng trên diện tích 8,11ha trong đó có 5,41 ha thuộc rừng đặc dụng Nam Ka.
Đầu năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Bộ Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đồng ý để tỉnh chuyển 5,41ha này làm thủy điện Chư Pông Krông. Tuy nhiên, Bộ này không đồng ý, yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk giữ nguyên hiện trạng bởi diện tích này có liên quan đến rừng đặc dụng.
Ngày 21.4.2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có Công văn số 2910 gửi Bộ NN&PTNT, cho biết 5,41ha đất rừng nói trên không có rừng nên kiến nghị NN&PTNT xem xét đồng thuận việc chuyển 5,41 ha đất thuộc rừng phòng hộ Nam Ka cho UBND huyện Lắk quản lý. Trên cơ sở đó lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty Hưng Phúc thuê để triển khai dự án thủy điện Chư Pông Krông.
Cũng theo tỉnh Đắk Lắk, 5,41ha đất rừng này nằm giáp sông Krông Nô, hoang hóa trước khi hình thành khu bảo tồn. UBND tỉnh Đắk Lắk nhận định nếu hình thành nhà máy thủy điện Chư Pông Krông sẽ không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng đặc dụng Nam Ka.
Ngày 11.8, trên cơ sở công văn 2910 và kiến nghị của Bộ NN&PTNT, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao cho UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, xử lý việc chuyển mục đích sử dụng 5,41 ha rừng nói trên.
Ngày 14.9.2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định điều chỉnh giảm 5,41 ha đất không có rừng tại khoảnh 9, tiểu khu 1306 do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Ka quản lý ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng.
Tháng 11.2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định cho Công ty Hưng Phúc thuê diện tích này để thực hiện dự án thủy điện Chư Pông Krông.
Đã có nhiều lo ngại về việc "cắt" đất rừng làm thủy điện nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn quyết tâm thực hiện.
Đáng chú ý, năm 2017, dư luận đã hết sức lo ngại khi UBND tỉnh Đắk Lắk xin chuyển đổi 5,42 ha đất rừng đặc dụng để làm thủy điện.
Một lãnh đạo tại Ban chỉ đạo Tây Nguyên thời bấy giờ đã phát biểu trên báo chí rằng, hơn 5 ha rừng tỉnh Đắk Lắk xin chuyển đổi để làm thủy điện, dù không phải là rừng đặc dụng mà chỉ là cây bụi thì vẫn phải để tái sinh rừng.
Nếu vẫn bất chấp để làm thủy điện không chỉ mất rừng mà còn gây nhiều hệ lụy, như người dân theo đường vào tàn phá rừng, không quản lý được. Những thủy điện nhỏ không giải quyết được năng lượng, không thu hút được lao động địa phương mà chỉ lợi cho nhà đầu tư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty Hưng Phúc là vợ của một lãnh đạo tại Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk. Liệu đây có phải là lý do khiến tỉnh Đắk Lắk quyết tâm thực chuyển đổi 5,41 ha đất rừng để làm thủy điện hay vì mục đích phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh? Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh. |